Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:36

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:36

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 19:21 ngày 27/02/2021

Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cần thực hiện ngay các giải pháp chủ động nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu…
Vừa qua, thị trường Campuchia đã có động thái nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thủy sản được nhập khẩu từ các quốc gia có chung đường biên giới; trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia đang lấy ý kiến Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản trong nước để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thủy sản như cá tra, cá trê, cá lóc và cá bớp nhập khẩu từ các thị trường láng giềng.
Trước những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, ngày 9/2/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn 859/BNN – QLCL về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản. Theo đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện ngay các giải pháp chủ động nghiên cứu, cập nhật đầy đủ quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu; trong đó, tập trung kiểm soát mối nguy, sản phẩm và yêu cầu của một số thị trường đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phổ biến, hướng dẫn thời gian qua.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản. Ảnh minh họa. 
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2021, tình hình thương mại thủy sản vẫn bị tác động bởi đại dịch Covid-19, thậm chí là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.
Ngoài ra, các Hiệp định trương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Sau một năm vừa kinh doanh, vừa ứng phó với đại dịch trên toàn cầu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt trong việc thích ứng với biến động của thị trường thế giới. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020 nhờ vào những kinh nghiệm đã trải qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó các doanh nghiệp cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường để tránh các điều tra về thuế và xuất xứ sản phẩm. Thiết lập chủ động kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản.
Với những hành động cụ thể, hy vọng ngành thủy sản Việt Nam sẽ góp phần mang lại sự phát triển hơn nữa cho nền kinh tế đất nước trong năm 2021.
Theo: VietQ.vn
lên đầu trang