Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 12:55

Thứ tư, 24/04/2024 | 12:55

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:12 ngày 04/03/2021

Chợ truyền thống: Thay đổi để không lâm cảnh “chợ chiều”

Chợ truyền thống lâu nay vẫn là điểm mua - bán ưa thích của người dân bởi ở đây không chỉ là nơi giao thương hàng hoá mà còn là nét văn hoá riêng biệt vùng miền. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Ðã đến lúc cần phải tìm hướng đi mới cho các chợ truyền thống, vừa gìn giữ văn hóa riêng, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngày càng vắng khách
Chợ Vinh - nằm vị trí đắc địa ở TP. Vinh (Nghệ An) từng được kỳ vọng là trung tâm thương mại lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, góp phần tạo nên diện mạo mới chợ truyền thống trên địa bàn khi được nâng cấp thành khu chợ 3 tầng khang trang, hiện đại ở khu đình chính với 1.446 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi được nâng cấp đến nay đã gần 12 năm nhưng các hộ kinh doanh vào chợ mới chỉ chiếm khoảng 2/3, số còn lại bị bỏ trống gây thất thu, lãng phí.

Chợ Vinh nằm vị trí đắc địa ở TP. Vinh (Nghệ An) từng được kỳ vọng là trung tâm thương mại lớn nhất khu vực Bắc miền Trung
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh - cho biết: Chợ Vinh hoạt động như chợ đầu mối, đây không chỉ là nơi mua - bán hàng hoá mà còn tồn tại trong tâm thức của người dân như một nét văn hoá lưu giữ hàng trăm năm nay. Một cái khó của chợ Vinh hiện nay là khu đình Đông và khu đình Tây bị xuống cấp nghiêm trọng, chưa thể nâng cấp vì không có vốn đầu tư. Mỗi năm mưa lũ về lại cuốn trôi không biết bao hàng hoá của bà con tiểu thương. Để chuyển đổi chợ truyền thống hiệu quả, phải giải quyết tốt bài toán lợi ích của bà con trong chợ. Các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống chủ yếu quy mô nhỏ, vốn ít, thậm chí là “buôn thúng bán mẹt”.
Thêm một lý do mức sống của người tiêu dùng ngày càng cao, tâm lý thích những trải nghiệm mua sắm mới. Điều này khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm khoảng 40% so với trước đây. Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền cho tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh. "Hiện nay, hạ tầng phía khu đình Tây và đình Đông với 1.806 ki ốt xuống cấp trầm trọng, rất cần nguồn vốn đầu tư từ phía Nhà nước, nhưng lại không có vốn. Kêu gọi xã hội hoá đầu tư thì khi doanh nghiệp vào sẽ quản lý theo mô hình doanh nghiệp, sợ rằng với mô hình quản lý mới sẽ mất dần dấu ấn của chợ truyền thống", ông Đắc cho biết thêm.
Nhiều tiểu thương đang hoạt động tại chợ Vinh cũng chia sẻ, sức mua nhiều mặt hàng như nông sản, thực phẩm chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của kênh bán lẻ mới, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Lan, bán hàng tạp hoá trong đình chợ Vinh cho biết: Năm nay hàng hoá bán ế, do dịch bệnh, tâm lý người dân ngại ra chợ đông người, các khu hàng phía trước còn bán được chứ những quầy phía sau như chúng tôi ngồi chơi cả ngày, thi thoảng bán được vài ba thứ lẻ tẻ… Chúng tôi cũng mong các cấp chính quyền có thay đổi cho bà con trong chợ, nếu cứ đà này chắc phải đóng cửa hàng.

Chợ truyền thống vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, Nghệ An hiện có 405 chợ truyền thống, phân phối khoảng trên 70% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Con số này được Sở Công Thương đưa ra đã chứng minh rằng, phân khúc trung tâm thương mại, siêu thị mới vẫn không thể thay thế cho mô hình chợ truyền thống.
Lý giải về điều này, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương - cho rằng, trên địa bàn Nghệ An, hầu hết cư dân vẫn tập trung ở vùng trung tâm và miền núi, lượng hàng hoá qua chợ vẫn chiếm phần lớn. Chợ truyền thống vẫn đảm nhận tỷ trọng lớn trong doanh số bán lẻ, nhất là về thực phẩm tươi sống. Một điều quan trọng khiến số đông người tiêu dùng vẫn đến với chợ truyền thống là giá hàng hóa tại đây thường rẻ hơn từ 30% - 35% so với các trung tâm thuơng mại, siêu thị lớn, hay các cửa hàng tiện lợi.
Cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại
Kênh bán lẻ truyền thống hiện vẫn chiếm khoảng 70% thị phần bán lẻ, trong đó chợ truyền thống chiếm khoảng 40%. Ðiều này cho thấy, vai trò của kênh bán lẻ tại chợ truyền thống vẫn rất quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trong xã hội. UBND tỉnh Nghệ An và Sở Công Thương đang đẩy mạnh xã hội hóa mời gọi đầu tư, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư cải tạo chợ trên địa bàn.
Trong vài năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng xây dựng và cải tạo các chợ. Chợ truyền thống hiện đang bị thu hẹp bởi sự xuất hiện hàng loạt các thương hiệu bán lẻ hiện đại trong nước và nước ngoài như Big C, VinMart, Metro mart… với hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini len lỏi vào các khu dân cư tại thành phố, và ở cả khu vực nông thôn. Nhiều sản phẩm tại đây còn có giá rẻ hơn so với ở chợ truyền thống do được nhập trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua trung gian nên giảm được chi phí. Thời gian mở cửa của các siêu thị, trung tâm mua sắm linh hoạt, cả ngày chứ không theo giờ, theo phiên như chợ truyền thống; khách hàng có thể mua được hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng tại một địa điểm thay vì di chuyển nhiều chợ, cửa hàng để mua các chủng loại hàng hóa khác nhau cũng là những yếu tố khiến người dân lựa chọn hình thức mua sắm này.

Hiện ở Nghệ An có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động
Hiện ở Nghệ An có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị; ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, điều này gây khó khăn cho các chợ truyền thống, trong khi mô hình hoạt động của chợ truyền thống đang loay hoay tìm hướng đi mới.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hà, nguyên nhân khó thu hút đầu tư là bởi dự án chuyển đổi chợ thường quy mô nhỏ, lợi nhuận không cao, quản lý phức tạp; quá trình triển khai đầu tư chuyển đổi, tiểu thương thường không đồng thuận khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nản lòng khi tham gia đầu tư xây dựng mới hệ thống chợ. Quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi mô hình chợ là kêu gọi xã hội hoá, thu hút đầu tư vào xây dựng. Tuy nhiên làm sao để đẩy nhanh được vấn đề này là điều không dễ, và đó chính là nút thắt khó gỡ trong công tác chuyển đổi quản lý mô hình chợ hiện nay, bà Mỹ Hà lý giải.
Tuy nhiên, một thế mạnh của chợ truyền thống không thể mất đi đó là thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân, nhất là khu vực nông thôn vẫn thiên về mua sắm tại các kênh chợ truyền thống một phần vì thói quen, mặt khác chợ truyền thống vẫn hơn các cửa hàng tiện lợi ở chữ “tình”, có thể mặc cả, thuận mua vừa bán. Các chợ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá cả rõ ràng, phù hợp xu hướng hội nhập mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng.
Một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay đó là các quy định của luật đang chồng chéo, có những điểm không còn phù hợp với thực tế. Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP có những bất cập, cơ quan quản lý nhà nước đang làm quy trình để sửa đổi nên việc đầu tư nâng cấp thu hút đầu tư đang gặp khó khăn. Nghị định số 02/2003/NĐ-CP đã quá lâu, có nhiều điểm không phù hợp với các quy định hiện hành như quy định về quản lý tài sản công, tổ chức bộ máy quản lý, quy định quản lý tài chính… Hiện, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 phù hợp với định hướng phát triển hiện nay.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang