Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 04:26

Thứ sáu, 19/04/2024 | 04:26

Chính sách

Cập nhật lúc 14:15 ngày 08/03/2021

Đòn bẩy đưa năng suất chất lượng bứt phá

Với xu hướng hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp.
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp là một trong 9 Dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Sau 2 giai đoạn thực hiện, kết quả triển khai Dự án đã có những tác động tích cực đối với hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Khoa học công nghệ là nền tảng
Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp đã có một ước chuyển mình một cách rõ rệt nhờ áp dụng và ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật mới. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp kỹ thuật rất tốt và đưa ra quyết định kịp thời giúp công ty vượt qua khó khăn.
Điều này lại một nữa chứng minh qua các hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tổng Công ty May 10.  Các sản phẩm của May 10 đang được người tiêu dùng đón nhận rất nhiều. Đó là đà giúp cho công ty phát triển nhờ áp dụng đúng phương pháp khoa học công nghệ; kỹ thuật mới. Bằng cách đầu tư hệ thống máy tự cắt vải tự động và máy trải vải đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn chi phí và nhân công nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn.

Khoa học công nghệ  trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp.
Tượng tự, Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên (FOMECO), việc ứng dụng công nghệ; đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Từ xuất phát điểm ban đầu với 7 công cụ của quản lý chất lượng, áp dụng 5S tại nơi làm việc, đến nay, công ty đã áp dụng hầu hết các công cụ quản lý như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001, IATF 16949, TPM, kaizen. Bên cạnh đó, để giảm giá thành và đáp ứng tiến độ giao hang, hơn 80% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, thực hiện kiểm tra, bao gói đã được tự động hóa...Trong vòng 5 năm gần đây, doanh số bán hàng của FOMECO có mức tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm, mức tăng khá cao đối với một đơn vị có doanh số tương đối lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. 
Việc xử lý thành công lỗi máy nén đã làm lợi cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau hơn 28 tỷ đồng mỗi năm, góp phần duy trì ổn định cấp khí cho các đơn vị trong cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau và đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định.
Tại Nhà máy Alumin Tân Rai thuộc Công ty Nhôm Lâm Đồng, thực hiện cải tiến, thay đổi lưu trình công nghệ nhằm giảm tiêu hao hơi nước mới, giảm tiêu hao than cho phân xưởng nhiệt điện, tăng công suất trạm Cô đặc giúp tăng sản lượng 60.000 tấn/năm.
Trên đây chỉ là số ít trong số hàng trăm doanh nghiệp điển hình tham gia Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công nghiệp 2012-2020 cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động mang lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu, 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng…
Hỗ trợ của Dự án cũng giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp điểm, hiện có 94,8% mô hình tiếp tục duy trì sau khi kết thức dự án, trong đó 22,2% mô hình được mở rộng.
Có thể thấy, việc áp dụng các hệ thống quản lý dựa theo tiêu chuẩn ISO và các công cụ như: 5S, Kaizen, sản xuất tinh gọn Lean, Lean 6 sigma… đã mang lại những cải tiến đáng kể, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp. Từ phía các doanh nghiệp sản xuất, những nỗ lực cải tiến không ngừng về khoa học công nghệ và trình độ quản lý đã tạo ra những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là trọng tâm
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp đến 2020 đã để lại dấu ấn ấn tượng. Đối tượng trung tâm trong triển khai tất cả các hoạt động Dự án của Bộ Công Thương chính là doanh nghiệp.
Ngày 31/8/2020 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Đây được coi là cú huých mới hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ góc độ của Bộ Công Thương, Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ- Bộ Công Thương cho biếtDoanh nghiệp được xác định là trọng tâm của các hoạt động triển khai dự án nâng cao Năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Trong đó, về vấn đề chất lượng, nội dung ưu tiên của Bộ là tập trung xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây vừa là công cụ hỗ trợ quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan, vừa là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Về tăng năng suất, nội dung ưu tiên của Bộ là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp”.
Cụ thể, giai đoạn tiếp theo của Dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở phát huy những thành công, đồng thời khắc phục những hạn chế trong tiếp cận và triển khai ở giai đoạn trước. 
Theo đó, ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số. Đồng thời, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tóm lại, không có một kỹ năng nào của cá nhân người lao động có thể bù lại được tiến bộ khoa học và công nghệ. Tiến bộ KH&CN có thể làm giảm số lượng lao động trên một đơn vị sản phẩm, làm cho giá trị lao động ở mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi từ 5-10 lần tùy vào loại hình sản phẩm. Nói cách khác, không có ai có thể tăng năng suất lên 10 lần như năng suất kỹ thuật. Chính vì vậy, KH&CN có vai trò như “đòn bẩy” đưa năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp bứt phá. Ứng dụng khoa học công nghê, tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chính là ‘chìa khóa” để doanh nghiệp vượt đại dịch, thích ứng và phát triển.
Trần Linh

lên đầu trang