Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:29

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:29

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 15:10 ngày 26/10/2015

Lực đẩy phát triển sản phẩm công nghệ cao

Phát triển công nghệ cao là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện tái cơ cấu thành công ngành công nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, tham gia vào công đoạn sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực trạng phát triển công nghệ cao

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2010-2013, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp còn tương đối nhỏ. Năm 2010, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng gần 20%; năm 2011 chiếm tỷ trọng 21%, năm 2012 chiếm tỷ trọng 22,9%. Tuy nhiên, năm 2013, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao sụt giảm, chỉ còn chiếm tỷ trọng 21,72%.

Nguyên nhân là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2009 - 2013 giảm dần. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29%; năm 2011 tăng 24%; năm 2012 tăng 23% và năm 2013 tăng 21%.

Theo số liệu của Tổ chức Công nghiệp thế giới UNIDO, giá trị các sản phẩm công nghệ cao và công nghệ trung bình chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010-2013. Còn theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), đóng góp của khoa học và công nghệ trong GDP của Việt Nam giai đoạn 2000-2012 khoảng 18%, thấp so với các nước ASEAN.

Theo Quyết định 49/2010/ QĐ-TTg, 46 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và 76 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Hiện 27 công nghệ cao và 43 sản phẩm đã được các doanh nghiệp đăng ký triển khai trong 3 khu công nghệ cao quốc gia đạt tổng doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn thấp: Năm 2010 đạt 50 triệu USD, năm 2011 đạt 60,5 triệu USD, năm 2012 đạt 87 triệu USD và năm 2013 đạt 90 triệu USD. Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn và có doanh thu cao: Năm 2010 đạt 880 triệu USD, năm 2011 đạt 1,2 tỷ USD, năm 2012 đạt 1,55 tỷ USD và năm 2013 đạt 2,77 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 2010-2013, Khu công nghệ cao Hòa Lạc doanh thu tăng 180%, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tăng 256%. Số liệu trên cho thấy, đầu tư ở các khu công nghệ cao rất hiệu quả.

Hiện tại, đầu tư vào công nghệ cao đạt khoảng 4,11 tỷ USD. Trong đó, công nghệ thông tin chiếm 2,99 tỷ USD, tự động hóa chiếm 0,57 tỷ USD, vật liệu mới chiếm 0,5 tỷ USD... Các tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên danh, chiếm 14 trên tổng số 18 tổ chức. Tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đạt 0,83 tỷ USD, chiếm 20% tổng số vốn đầu tư vào công nghệ cao.

Những khó khăn, bất cập

Sau 4 năm triển khai Quyết định 49/2010/QĐ-TTg, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong 4 lĩnh vực ưu tiên gồm công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Tuy nhiên, giá trị đóng góp của khoa học và công nghệ vào GDP của Việt Nam còn thấp. Tỷ trọng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp dưới 25%, so với mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là 40%. Đây là mục tiêu khó khăn.

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao còn rất ít. Một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu.

Thứ hai, khi được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao, doanh nghiệp được ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao. Theo Điều 18 Luật Công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí: (1) Chi bình quân cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trong 3 năm liên tiếp phải đạt thấp nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư phải đạt trên 1% tổng doanh thu; (2) Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động. Trong khi thực tế đa số doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát triển.

Thứ ba, một số doanh nghiệp tuy đủ điều kiện nhưng không muốn đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vì đã được hưởng các ưu đãi theo địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư.

Một số giải pháp thúc đẩy

Giải pháp về cơ chế chính sách: Nhà nước cần điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, để tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao cần tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực hơn. Nhà nước cần ưu tiên trong đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu cho các doanh nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mới.

Giải pháp về hội nhập quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao: Chú trọng tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương, nhất là với các nước tiên tiến. Thành lập cơ sở, trung tâm phục vụ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thu thập thông tin, bí quyết công nghệ cao. Thúc đẩy hình thành cơ sở hợp tác nghiên cứu công nghệ cao; các dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Tăng cường trao đổi quốc tế về chuyên gia, nghiên cứu, đào tạo, giao lưu doanh nghiệp công nghệ cao.

Giải pháp về nâng cao nhận thức xã hội: Thúc đẩy truyền thông khoa học và công nghệ nói chung, nâng cao hiệu quả phổ biến về chính sách đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Tăng cường phổ biến, giới thiệu các thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện thu hút lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ cao đến Việt Nam trao đổi, tư vấn, tham dự diễn đàn, hội thảo trong nước.

Giải pháp về hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ ban đầu rất cần thiết để doanh nghiệp công nghệ cao có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tạo nguồn vốn đầu tư mạnh hơn cho các doanh nghiệp công nghệ cao thông qua tăng cường kinh phí cho nghiên cứu và triển khai công nghệ cao và các nguồn lực xã hội hóa. Có cơ chế ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao trong đấu thầu công trình sử dụng ngân sách nhà nước hoặc trong hoạt động mua sắm chính phủ.

Công nghệ cao là lĩnh vực phát triển rất nhanh, để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ cần tiến hành nghiên cứu xu hướng phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, đề xuất, sửa đổi, ban hành thêm những chính sách mới để tạo động lực cho công nghệ cao phát triển.

ThS. Trần Thị Hoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

lên đầu trang