Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 10:58

Thứ năm, 25/04/2024 | 10:58

Chính sách

Cập nhật lúc 15:25 ngày 20/09/2015

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam

Việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại có ý nghĩa cấp thiết nhằm phát triển thương mại, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Phát triển các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ngành thương mại, đáp ứng được yêu cầu phát triển lành mạnh thị trường Việt Nam, giữ vững ổn định thị trường, tránh sự xâm lấn, chi phối, lũng đoạn thị trường của nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn là trình độ phát triển của thị trường Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam còn yếu về mọi mặt và mới tiếp cận với phương thức kinh doanh bán lẻ hiện đại; phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài đang thâm nhập mạnh mẽ thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thời hậu khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế suy giảm nhiều đã khiến cho sức mua của người dân giảm, họ chuyển hướng sang những sản phẩm có giá cả rẻ hơn, vì vậy các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, do chi phí kinh doanh cao hơn bán lẻ truyền thống, càng bị ảnh hưởng bất lợi trong cạnh tranh về giá. Từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại có ý nghĩa cấp thiết nhằm phát triển thương mại, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhận diện những khó khăn trong phát triển các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam

Thứ nhất, những vấn đề bất ổn từ môi trường vĩ mô và giảm cầu trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại Việt Nam. Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong những năm gần đây, năm 2009 đạt 5,32%, năm 2012 chỉ đạt 5,03%, năm 2013 đạt 5,42% và năm 2014 đạt 5,96%. Trong khi đó, kinh tế thế giới phục hồi chậm đã tác động mạnh đến các ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối bán buôn và bán lẻ. Tiêu dùng giảm sút khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm hay thu nhập bị giảm sút đã kéo theo sự sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình.

Thứ hai, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam phải đối mặt với chi phí hoạt động tăng, hiệu quả hoạt động thấp… Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng cho thương mại bán lẻ hiện đại còn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất là ở các vùng mới đô thị hóa, việc cung cấp điện, nước, hệ thống đường giao thông, mặt bằng kinh doanh bán lẻ đáp ứng được tiêu chí của bán lẻ hiện đại còn yếu và thiếu.

Thứ ba, bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện còn vấp phải sự cạnh tranh với bán lẻ truyền thống vẫn đang tỏ ra có ưu thế vượt trội do thích hợp với điều kiện phát triển thị trường và người tiêu dùng Việt Nam như hàng hóa phong phú và giá rẻ, vị trí thuận lợi, gần các khu dân cư... Mặt khác, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đối với hình thức mua hàng không qua cửa hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt và trở thành một loại hình mua sắm được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, đặc biệt là giới trẻ. Như vậy, với ưu thế thuận tiện và giá rẻ của các hình thức bán lẻ truyền thống; sự tiện ích, nhanh chóng và hiện đại của các loại hình bán lẻ không qua cửa hàng cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Thứ tư, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, thời gian qua, trong những nỗ lực để hiện đại hóa ngành bán lẻ trong nước, Việt Nam đã thực hiện mở cửa thị trường bán lẻ nước mình, tăng cường thu hút FDI của các công ty đa quốc gia, các nhà bán lẻ toàn cầu vào kinh doanh tại Việt Nam, qua đó để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện cọ sát với cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm tổ chức vận hành, kinh nghiệm quản lý cũng như thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ bán lẻ hiện đại từ các tập đoàn này. Tuy nhiên, mặt trái của sự mở cửa này là, cạnh tranh gay gắt đã gây sức ép và khó khăn rất lớn cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Thứ năm, Việt Nam thiếu các tiêu chí cụ thể trong sử dụng công cụ ENT (Kiểm tra nhu cầu kinh tế) để kiểm soát việc mở thêm các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất của các doanh nghiệp bán lẻ FDI... đã làm xuất hiện tình trạng thiếu công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh và ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. 

Thứ sáu, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều cũng là một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại Việt Nam. Báo cáo về Môi trường kinh doanh năm 2015 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vẫn cho thấy một kết quả không mấy tích cực về Việt Nam, theo đó Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 78, tụt tới 6 bậc so với năm trước. Nhìn chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn đang ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực và vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Những cơ hội chủ yếu cho phát triển các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam

Tiềm năng phát triển cao của thị trường bán lẻ.Quá trình hội nhập kinh tế đã mở ra cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nhiều cơ hội được phát triển trong thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này. Đó là, thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 90 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ chiếm khoảng 65% dân số trong độ tuổi lao động với mức chi tiêu khá mạnh; thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao; tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh; tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc loại cao so với các nước trong khu vực  (trên 70%)... 

Đô thị hóa nhanh chóng đã tạo sức hấp dẫn cho thị trường bán lẻ. Theo quy hoạch đô thị ở Việt Nam trong thời kỳ 2011 - 2020, số lượng đô thị các loại sẽ tăng từ 721 lên 870 vào năm 2020 và 1.000 vào năm 2025. Tương ứng với sự gia tăng đô thị, quĩ đất dành cho đô thị cũng sẽ tăng khoảng 335 ngàn ha vào năm 2015, 400 ngàn ha vào năm 2020 và 450 ngàn ha vào năm 2025, hệ thống đô thị ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh trên cả hai phương diện là số lượng và quy mô đô thị. Đồng thời, cơ sở hạ tầng tại các đô thị sẽ được cải tạo, nâng cấp phù hợp với tiêu chuẩn đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, sự phát triển của hệ thống đô thị sẽ tạo ra không gian lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại Việt Nam phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ.

Hành vi tiêu dùng của người dân dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống chuyển sang mua sắm khối lượng lớn ở các cơ sở bán lẻ hiện đại. Người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, thương hiệu và sự tiện lợi ở các cơ sở bán lẻ hiện đại mà ở đó, khách hàng không chỉ được thỏa mãn mọi nhu cầu với giá cả hợp lý mà còn được cùng nhau trải nghiệm không gian mua sắm thú vị. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ cũng là thuận lợi lớn cho ngành kinh doanh bán lẻ hiện đại vì người tiêu dùng trẻ với phong cách sống hiện đại thường thích mua sắm ở những nơi hiện đại và tiện ích.

Bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp trong tổng doanh thu bán lẻ và còn nhiều dư địa để phát triển. Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường và số liệu từ các cơ quan thống kê, bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn ở dưới mức 25%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực - hiện tại, con số  này ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 46%, Malaysia là 53% và Trung Quốc là 64%. Như vậy, so với các nước lân cận, bán lẻ hiện đại Việt Nam còn chiếm tỷ trọng thấp, ít cạnh tranh và các cơ sở bán lẻ hiện đại chủ yếu ở các trung tâm đô thị ở miền Bắc, miền Nam, có nghĩa là vẫn còn có nhiều nơi tiềm năng như miền Trung và các địa phương khác để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các cơ sở bán lẻ hiện đại.

Mở cửa thị trường bán lẻ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội để học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở bán lẻ hiện đại. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam đã đem đến công nghệ bán lẻ hiện đại và công nghệ quản lý cửa hàng tiên tiến mà các doanh nghiệp trong nước còn thiếu hoặc chưa có. Sự va đập, cọ sát và quá trình học hỏi, đào tạo tại chỗ đã giúp ích rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại còn non trẻ của Việt Nam trong xây dựng và tăng cường năng lực cạnh tranh để trưởng thành, phát triển. Đồng thời, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ nước ngoài nhiều tiềm năng và nguồn lực sẽ tạo động lực buộc doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải nỗ lực tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ có thể cạnh tranh, sánh ngang với các tập đoàn bán lẻ trong khu vực và thế giới.

Một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam

Dựa trên những nghiên cứu về thực trạng cũng như cơ hội của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam như sau:

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh: Tiếp tục ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải pháp về quy hoạch phát triển thương mại: Theo đó, việc xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền trong cả nước cần ưu tiên dành quỹ đất phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, trong đó các địa phương cần dành một quỹ đất công nhất định cho việc xây dựng các cơ sở bán lẻ hiện đại. Nhà nước cũng cần ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất để đầu tư và mở rộng cơ sở sản xuất và được đối xử bình đẳng trong tiếp cận quỹ đất. Khuyến khích và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính để các cơ sở bán lẻ hiện đại quy mô nhỏ ở gần nhau có thể liên kết, cải tạo, nâng cấp thành các cơ sở hiện đại quy mô lớn hơn; hoặc dành quỹ đất có được từ di dời chợ và cơ sở sản xuất do không bảo đảm an toàn... để cho các nhà đầu tư đấu thầu thuê, mua xây dựng cơ sở bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng các cơ sở bán lẻ hiện đại ở những thị trường kém sôi động, sức mua còn hạn chế, lợi nhuận thấp và khả năng thu hồi vốn chậm với mục đích để dân cư tại địa bàn có điều kiện sớm tiếp cận với mua sắm và tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại cũng như kích thích sản xuất và tiêu dùng phát triển.

Nhà nước cần dành kinh phí xúc tiến thương mại để tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản trị bán lẻ hiện đại cho các doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các cơ sở bán lẻ hiện đại để củng cố lòng tin của khách hàng vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với những hoạt động chính như truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt, phát triển hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nội địa trong việc xây dựng các quy định để điều chỉnh, kiểm soát đầu tư nước ngoài và cụ thể hóa các tiêu chí để kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi xem xét, chấp thuận cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất tại Việt Nam làm cơ sở cho việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương tiếp theo cũng như trong việc thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ nhằm quản lý hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ FDI.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo các nhà bán lẻ truyền thống ở đô thị thuộc diện chuyển đổi sang đầu tư và vận doanh tại các cơ sở bán lẻ hiện theo quy hoạch và dự án chuyển đổi các chợ nội thị thành các cơ sở bán lẻ hiện đại để họ có thể nâng cao kỹ năng vận doanh trong các cơ sở bán lẻ hiện đại. Mở các lớp huấn luyện đào tạo kỹ năng quản lý, kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ, đào tạo khả năng ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng, quản lý trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, kỹ năng bán hàng, văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu…

Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ hiện đại: Theo đó, các doanh nghiệp cần thực hiện giảm thiểu chi phí hoạt động, cân nhắc hoạt động đầu tư, quản trị nguồn nhân lực, phối hợp với các nhà cung cấp để đưa ra các giải pháp chia sẻ khó khăn với nhau và với khách hàng, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát rủi ro trong doanh nghiệp. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào quản lý và vận hành cơ sở bán lẻ hiện đại, nghiên cứu ứng dụng và đổi mới hệ thống thông tin và sử dụng phần mềm hiện đại trong quản lý điều hành hoạt động kinh doanh để tự động hóa các hoạt động, từ quản lý hàng hóa mua vào, bán ra, tồn kho, xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng, về các nhà cung cấp đến kê khai thuế, trao đổi thông tin, báo cáo kế toán... của tất cả các khâu trong quản lý cơ sở bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, các doanh nghiệp tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực cùng nhau tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn trong bối cảnh hậu khủng hoảng và mở cửa dịch vụ phân phối.

TS. Phạm Nguyên Minh 

                                                                   Viện Nghiên cứu Thương mại

 

 

lên đầu trang