Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:16

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:16

Giải thưởng

Cập nhật lúc 07:53 ngày 29/03/2021

Dầu khí Việt Nam khẳng định vị thế với công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng

Trong suốt quá trình phát triển, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C đã thực nhiều dự án dầu khí và từng bước trưởng thành, từ vị trí của nhà thầu gia công lắp ráp thuần túy trở thành tổng thầu EPCI1 cho các dự án đóng mới giàn đầu giếng có quy mô vừa, hay nhiều dự án lớn.
Năm 2009, được sự tin tưởng và ủng hộ của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC), PTSC M&C được giao trọng trách nghiên cứu, triển khai thực hiện công tác thi công chế tạo các công trình lớn của dự án Biển Đông 1. Trong đó có khối thượng tầng nặng 12.500 tấn và khối chân đế nặng 11.500 tấn của giàn công nghệ trung tâm và nhà ở Hải Thạch (PQP-HT) là các công trình có khối lượng vượt gấp nhiều lần các công trình đã từng thực hiện trước đó tại Việt Nam. Dự án Biển Đông 1 cũng là dự án trọng điểm Quốc gia lớn nhất Việt Nam tại thời điểm triển khai.
Cụm giàn thuộc dự án Biển Đông 01
Ứng dụng công nghệ, từng bước giải quyết khó khăn
Dù đã có các nghiên cứu về công nghệ thiết kế, thi công chế tạo và hạ thủy các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng từ trước nhưng khi bắt đầu nghiên cứu để áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì có rất nhiều khó khăn, thử thách, từ các thách thức về cơ sở hạ tầng cho đến tiến độ thi công. Trong bối cảnh đó, Cụm công trình khoa học và công nghệ: Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam – đại diện tác giả: ThS. Bùi Hoàng Điệp - PGĐ PTSC M&C, với các nội dung triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức một cách hết sức thuyết phục. Thêm vào đó sự chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đặc biệt là chủ đầu tư công ty Biển Đông POC trong việc phát huy năng lực nội địa, quyết tâm thực hiện dự án bằng nguồn lực trong nước.
Dự án Biển Đông 1 là một dự án có rất nhiều khó khăn và thách thức. Về cơ sở hạ tầng, cần có đường trượt để hạ thủy công trình sau khi chế tạo hoàn thiện trên bờ bằng phương pháp kéo trượt xuống sà lan vận chuyển; Yêu cầu tối thiểu để cẩu lớn di chuyển là 50 t/m2, trong khi bãi thi công vừa mới san lấp có sức chịu tải thiết kế chỉ đạt 4 t/m2; Địa chất của bãi PTSC M&C đặc biệt yếu với lớp bùn dày từ 10m tới 13m nằm ngay dưới lớp san lấp. Các yêu cầu thiết kế hết sức mới mẻ và chưa từng được thực hiện tại Việt Nam và trên thế giới ở thời điểm 2010.
Tiến độ ban đầu đặt ra chỉ cho phép 17 tháng để hoàn thành công tác thi công cả 2 công trình chân đế và thượng tầng giàn PQP-HT, trong khi các nhà thầu sở hữu đầy đủ nguồn lực cần thiết sẵn có thường cũng phải đề xuất khoảng 24 tháng với khối lượng thi công tương tự.
Tuy vậy, vượt qua mọi trở ngại và thách thức, đến tháng 10 năm 2012, công tác lắp đặt ngoài khơi của khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm và nhà ở PQP-HT đã hoàn thành, đánh dấu mốc dự án EPCI Biển Đông 1 đã thành công rực rỡ, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Một góc cụm giàn HT-PQP
Để làm nên được thành công đó, không thể không kể đến những đóng góp trực tiếp và hết sức quan trọng của cụm công trình Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Cụm công trình bao gồm 6 nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng, đó là: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cọc đá và lưới địa kỹ thuật Tensar để gia cố nâng cấp nền bãi từ sức chịu tải 4 tấn/m2 lên tới sức chịu tải 50 tấn/m2; Nghiên cứu công nghệ hạ thủy và thiết kế đường trượt cho các công trình siêu trường siêu trọng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ jack-up thi công tổ hợp các kết cấu siêu trường siêu trọng; Nghiên cứu công nghệ thi công, hạ thủy và lắp đặt kiểu float-over2 các công trình siêu trường siêu trọng phục vụ thiết kế tối ưu dầm hạ thủy phù hợp với điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ quay lật panel chân đế khối lượng lớn có trọng tâm ngoài mặt phẳng bằng phương pháp sử dụng hệ thống neo xiên; Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thiết kế giàn công nghệ trung tâm và thượng tầng tàu FPSO3.
Tối ưu hiệu quả
Cụm công trình đã được nghiên cứu, áp dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam với những điều kiện hiếm gặp trên thế giới, như nâng cấp nền bãi tới tải trọng dàn đều 50 tấn/m2 trong trên nền đất yếu có lớp bùn dày tới 13m. Công nghệ Tensar và Cọc đá được chọn lựa để triển khai nâng cấp nền bãi, cũng chưa từng được sử dụng trên thế giới ở các điều kiện tương tự. Cùng với đó, nghiên cứu tổng hợp các công nghệ thi công lắp đặt ngoài khơi kiểu float-over; hạ thủy bằng phương pháp kéo trượt làm đầu bài thiết kế đường trượt phù hợp với điều kiện địa chất và thủy văn phức tạp ở Cảng hạ lưu Vũng tàu.
Trong quá trình triển khai, từ việc làm chủ công nghệ thiết kế và thi công, nhóm tác giả của cụm công trình đã có nhiều cải tiến và sáng tạo nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và kĩ thuật của các công trình trong tổng thể dự án, như: mô hình tính toán và thiết kế tối ưu đường trượt, các giải pháp thiết kế & thi công loại bỏ các khó khăn trong quá trình thi công thường gặp ở các công trình truyền thống; mô hình thiết kế tối ưu dầm hạ thủy, phương án quay lật panel chân đế bằng neo ngược...
Khẳng định vị thế Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Thành công của cụm công trình đã thúc đẩy phát triển thị trường trong nước cho các dịch vụ thuộc chuỗi giá trị gia tăng phục vụ gói thầu EPCI, mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho địa phương và đất nước. Tạo ra nguồn công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định kinh tế, an ninh xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng nằm ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, trên 100m, có tác động to lớn, lâu dài và góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền Quốc gia.
Việc PTSC M&C đạt được đầy đủ năng lực cạnh tranh các gói thầu EPCI của các giàn CPP và các giàn siêu trường siêu trọng đã tạo được niềm tin cho đội ngũ cán bộ công nhân viên và người lao động trong Công ty, tạo được niềm tin trong xã hội về năng lực của các nhà thầu Việt Nam và đội ngũ kỹ sư người Việt Nam, nâng cao uy tín của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Sau dự án này, PTSC M&C đã có một bước đại nhảy vọt, trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có khả năng làm tổng thầu EPCI, tự thi công chế tạo giàn công nghệ trung tâm (CPP) và các dự án quy mô lớn, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, phức tạp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về chất lượng, an toàn, sức khỏe và môi trường. Công ty được mời tham gia tất cả các gói thầu quốc tế trong khu vực, đấu và trúng thầu nhiều dự án nước ngoài.
Thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo cụm công trình KHCN vào dự án Biển Đông 1, PTSC M&C đã nắm rất chắc các công nghệ thiết kế, thi công, hạ thủy, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu ứng dụng cụm công trình KHCN vào các dự án tiếp theo, sử dụng đường trượt sẵn có để thi công không chỉ cho các khối thượng tầng giàn CPP mà cả các giàn nổi gồm: các giàn chân căng (Tension Leg Platform –TLP), giàn bán chìm (Semi-submersible), MOPU (Mobile Offshore Production Unit).
Cụm Công trình KH&CN “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã đóng góp trực tiếp, quyết định tới sự thành công của dự án Biển Đông 1. Từ đó, đưa PTSC M&C trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có đủ năng lực EPCI cho các dự án giàn công nghệ trung tâm CPP và các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng.
Cụm công trình đã tiếp tục được nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện để thực hiện các dự án có công trình siêu trọng như: HRD; CRD; Sao Vàng Đại Nguyệt; nghiên cứu, đánh giá khả thi cho rất nhiều dự án tiềm năng: chế tạo giàn MOPU; Semi-submersible; giàn CPP Block B; Sư Tử Trắng Phase 2; Lạc Đà Vàng; Cá Voi Xanh...
Kết quả này mang ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với riêng tập thể Công ty PTSC M&C mà còn đối với cả ngành công nghiệp dịch vụ dầu khí quốc gia, khi mà năng lực cạnh tranh và làm chủ công nghệ được xem là yếu tố sống còn trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, các công trình Dầu khí nằm ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, trên 100m. Do đó, năng lực thiết kế, thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt các công dầu khí siêu trường siêu trọng đã, đang và sẽ tiếp tục mang góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền Quốc gia.
Với những thành tựu về khoc học - công nghệ và hiệu quả kinh tế - xã hội mà cụm công trình mang lại, “Cụm công trình Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã được đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ chí Minh về Khoa học công nghệ đợt 6.
Hội đồng xét tặng Giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước về KHCN năm nay sẽ tiến hành làm việc từ tháng 4 tới giữa tháng 7, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 8/2021.
Doãn Tâm
lên đầu trang