Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:59

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:59

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:54 ngày 29/03/2021

Xử lý chất thải rắn của ngành công nghiệp chế biến quặng thành sản phẩm có giá trị

Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit thành sản phẩm có giá trị, quy mô 10.000 tấn/năm” thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2017-2020 Dự án được thực hiện từ 01/2018 đến 06/2020 với tổng kinh phí 12,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ Ngân sách Nhà nước là 3,77 tỷ đồng và kinh phí đối ứng huy động là 8,83 tỷ đồng. 

Theo TS. Đỗ Thanh Hải - Chủ nhiệm nhiệm vụ, trong quá trình thực hiện dự án, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm (Lào Cai) và Công ty Xây dựng thương mại khoa học và công nghệ PI Việt Nam (Hà Nội) để triển khai và ứng dụng công nghệ.

Khai thác quặng apatit trên khai trường
Dự án hướng đến mục tiêu không phát sinh ra các nguồn ô nhiễm thứ cấp, đồng thời hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit.

Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện quá trình lựa chọn tác chất chống vón cục và tác chất trung hòa axit dư phù hợp để triển khai sản xuất với quy mô 10.000 tấn/năm. Gypsum và quặng apatit loại I vụn được dự án lựa chọn làm tác nhân chống vón cục. Quặng apatit loại II được lựa chọn làm tác chất trung hòa axit dư. 

Sau khi lựa chọn được các tác chất, dự án đã phối hợp các thành phần nguyên liệu nhằm đạt hiệu quả cao nhất trước khi đưa vào sản xuất. Dự án đã lựa chọn 02 công thức hỗn hợp: (1) 60% lân trắng, 10% gypsum, phần còn lại có thể lựa chọn giữa 3 loại quặng apatit loại I, II, III hoặc hỗn hợp của 3 loại quặng này và (2) 70% lân trắng, 30% còn lại có thể lựa chọn giữa 3 loại quặng apatit loại I, II, III hoặc hỗn hợp của 3 loại quặng này. 
 
Sau khi triển khai, dự án đã nhận về kết quả vô cùng khả quan. Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit, tạo thành sản phẩm sử dụng được để sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã xử lý thử nghiệm 2.027 tấn chất thải rắn lân trắng và thu được 3.330 tấn sản phẩm lân sau khi xử lý. Sản phẩm sau khi xử lý từ chất thải rắn lân trắng đã đáp ứng các yêu cầu so với đăng ký, đồng thời đáp ứng yêu cầu làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, các kết quả của Dự án đã góp phần giải quyết được một phần chất thải rắn của các nhà máy chế biến sâu quặng apatit. Hơn nữa, sản phẩm của quá trình xử lý có thể ứng dụng trực tiếp thay thế toàn bộ hay thay thế một phần phân bón supe lân đơn hoặc có thể làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất phân bón hỗn hợp NPK. Với quá trình vận hành đơn giản, yêu cầu về thiết bị không quá phức tạp và dễ chế tạo, công nghệ này có thể tiếp tục mở rộng quy mô để giải quyết triệt để chất thải rắn lân trắng phát sinh từ quá trình tinh chế axit phophoric.

Ứng dụng kết quả của Dự án  góp phần hỗ trợ các công ty sản xuất DCP về công nghệ xử lý chất thải rắn chứa phospho để nâng cao công suất, giảm chi phí và giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường phân bón, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Hà Trần
lên đầu trang