Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:55

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:55

Giải thưởng

Cập nhật lúc 09:15 ngày 02/04/2021

Phát triển hệ thống máy nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng

Việt Nam là đất nước chiếm tỷ lệ lớn dân số làm nông nghiệp. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp ngày một được chú trọng, chúng ta đã xuất khẩu nhiều mặt hàng đi khắp thế giới. Nhưng cùng với đó, việc mở rộng sản xuất thường đặt ra vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường do thải ra nhiều chất thải sau chế biến. Bởi vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra các công nghệ, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong thực tiễn để xử lý, chuyển đổi các nguồn chất thải đó thành nguồn năng lượng hữu ích thay thế phần nào cho nguồn nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
Chính vì vậy, các chủ đề nghiên cứu trong Cụm công trình khoa học và công nghệ về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vữngdo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) làm chủ nhiệm có tính thực tiễn, tính khoa học rất cao và có nhiều tính mới, tính sáng tạo. Cụm công trình đã được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và thế giới công nhận.
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – trưởng nhóm nghiên cứu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM)
Nội dung và đặc điểm chủ yếu của “Cụm công trình” này được thể hiện rõ trong hai nhóm các công trình, cụ thể gồm có: i) nhóm các công trình thuộc lĩnh vực sấy/chế biến hạt giống (ngô giống, lạc giống) chất lượng cao tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. ii) nhóm các công trình thuộc lĩnh vực chuyển đổi nguồn năng lượng tái tạo từ các phế phụ phẩm nông-lâm nghiệp theo công nghệ khí hóa ở quy mô công nghiệp, thành nguồn năng lượng nhiệt sạch ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để sấy, chế biến các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Tiết kiệm năng lượng
Đối với nhóm công trình thuộc lĩnh vực sấy/chế biến hạt giống tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, đã nghiên cứu đưa ra được thị trường các hệ thống thiết bị sấy/chế biến hạt giống (ngô giống, lạc giống) chất lượng cao tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường ở quy mô công nghiệp, ứng dụng trong sản xuất phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm giống cây trồng nông nghiệp chất lượng cao; Kết quả của các công trình đã được ứng dụng vào sản xuất để sấy chế biến lạc giống (ở Tuyên Quang), ngô giống (ở Hòa Bình), nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc nâng cao chất lượng và tiết kiệm năng lượng.
Việc áp dụng vào sản xuất thành công của công trình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở sản xuất sấy chế biến ngô giống, lạc giống đối với lĩnh vực phục vụ trong sản xuất nông nghiệp tại vùng sâu, vùng xa của đất nước đó là cơ sở sản xuất, chế biến/sấy ngô giống tại Sông Bôi Hòa Bình, và Tuyên Quang. Từ các kết quả này hoàn toàn có thể nhân rộng ra ứng dụng tại nhiều cơ sở chế biến/sấy giống quy mô lớn/công nghiệp khác trong cả nước nước, thậm chí có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Không chỉ vậy, việc áp dụng vào sản xuất thành công của công trình đối với hệ thống dây chuyền thiết bị sấy lạc giống kiểu tháp (kiểu tháp chuyên dụng) đã chuyển giao để ứng dụng cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hệ thống này đã đưa vào hoạt động ứng dụng trong sản xuất nhiều năm, có nhiều tính mới, khoa học, rất phù hợp cho Hợp tác xã khi ứng dụng để sấy lạc giống phục vụ cho sản xuất và phân phối, thương mại trên thị trường đối với sản phẩm lạc giống sau khi sấy. Sản phẩm lạc giống sau khi sấy trên hệ thống dây chuyền thiết bị này đảm bảo tốt về chất lượng giống; chi phí năng lượng tiết kiệm; dễ vận hành thao tác, sử dụng; mức độ tự động hóa cao như tự động đảo trộn khi sấy; giảm phát thải như không khói bụi; hoạt động êm dịu không tiếng ồn.
Hệ thống máy sàng phân loại và làm sạch tinh hạt giống ngô
Tạo nguồn năng lượng sạch từ phụ phẩm nông nghiệp
Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã nghiên cứu đưa ra được thị trường các hệ thống thiết bị chuyển đổi các phụ phế phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng tái tạo sạch theo công nghệ khí hóa quy mô công nghiệp. Thiết bị đã được ứng dụng trong sản xuất phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, chế biến các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, 
Viện đã đưa vào ứng dụng các lò khí hóa lõi ngô, lò khí hóa vỏ trấu nhằm chuyển đổi thành năng lượng nhiệt cung cấp sử dụng cho hệ thống sấy thương phẩm quy mô công nghiệp.
Việc thiết kế, chế tạo và áp dụng vào sản xuất thành công ở quy mô công nghiệp đối với hệ thống thiết bị chuyển đổi năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp theo công nghệ khí hóa liên tục của các công trình đã đem lại thành công cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sản xuất nông nghiệp tại vùng sâu, vùng xa của đất nước. Các kết quả này hoàn toàn có thể nhân rộng ra ứng dụng tại nhiều cơ sở chế biến/sấy nông sản quy mô lớn/công nghiệp khác cả trong và ngoài nước.
Hệ thống bin sấy, cấp liệu ngô bắp vào bin sấy bắp và tháo liệu ra từ bin sấy thuộc hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng
Đề xuất xét tặng giải thưởng NN về KHCN 
Với mục đích nghiên cứu nhằm đưa ra được thị trường ứng dụng cho xã hội/doanh nghiệp các dòng sản phẩm dây chuyền công nghệ đồng bộ, có tính mới, tính sáng tạo, hàm lượng khoa học cao ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các tỉnh miền núi, sử dụng luôn nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp theo hướng “khép kín” làm tăng chuỗi giá trị gia tăng và nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số, cụm công trình hướng đến đối tượng nghiên cứu là các hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững, thân thiện môi trường.
Quá trình nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ, nghiên cứu, phát triển đưa ra thị trường, ứng dụng cho xã hội/doanh nghiệp các mẫu máy, dây chuyền thiết bị đồng bộ có tính mới, tính thực tiễn, hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng trong sản xuất theo hướng ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.
Kết quả nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra kết quả nghiên cứu còn là thành tựu, góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khi ứng dụng chuyển đổi các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch thông qua công nghệ năng lượng tái tạo từ khí hóa.
Thành tựu cụ thể của các công trình đã đạt được thể hiện thông qua các phát minh mới, các thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biểu khi ứng dụng vào thực tiễn sản xuất đã làm thay đổi về nhận thức, sản xuất, và đời sống xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa miền núi,…
Các công trình trong cụm đã được đón nhận nhiều giải thưởng cao quý như: giải Nhất VIFOTEC 2019, giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam đối với công trình chế biến ngô giống; giải Nhì VIFOTEC 2018, giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam, đối với công trình khí hóa phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô); Giải Vàng, triển lãm quốc tế về Khoa học và Công nghệ 2019 (SIIF 2019) đối với công trình hệ thống thiết bị chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô) thành nguồn năng lượng tái tạo theo công nghệ khí hóa xuôi chiều liên tục quy mô công nghiệp; Giải Đặc Biệt, triển lãm quốc tế về Khoa học và Công nghệ 2019 (SIIF 2019), do Hiệp hội Sáng chế Đài Loan trao tặng đối với công trình hệ thống thiết bị chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô) thành nguồn năng lượng tái tạo theo công nghệ khí hóa xuôi chiều liên tục quy mô công nghiệp…
Với những thành tựu to lớn như trên, Cụm công trình khoa học và công nghệ về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững” đã được đề xuất trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 6 cho lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật/Cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, môi trường.
Hội đồng xét tặng Giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 6 năm 2021 sẽ tiến hành làm việc từ tháng 4 tới giữa tháng 7, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 8/2021.

Doãn Tâm
lên đầu trang