Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:59

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:59

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:27 ngày 22/04/2021

Covid-19: “Cú huých” trăm năm cho doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số

Bức tranh về thực trạng và tâm thế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số vừa được đưa ra trong một báo cáo khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Chuyển đổi số đang được coi là cơ hội vô giá và thậm chí có thể là cuối cùng với doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng những bối cảnh nhằm tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng và thoát ra khỏi vị trí tụt hậu, theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Điều này lại càng đặc biệt và có ý nghĩa với một quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam.
Theo báo cáo, có 5 giai đoạn chuyển đổi số doanh nghiệp.
Một là thu hẹp khoảng trống giữa khách hành và doanh nghiệp cũng như thay đổi các thói quen thường nhật trong môi trường kinh doanh.
Hai là khám phá các rào cản nằm sâu trong tổ chức, tài sản và tài nguyên hữu ích và các ưu tiên trong chuyển đổi số.
Ba là sự lặp lại mang tính chu kỳ ngắn, thử nghiệm thực tế với người dùng và thúc đẩy những đổi mới có thể.
Bốn là sử dụng đòn bẩy với việc loại bỏ các rào cản, tiếp cận nguồn lực lớn hơn và mở rộng ảnh hưởng, phạm vị hoạt động
Cuối cùng là đổi mới và cách thức làm việc để thích nghi.
Theo báo cáo khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp, kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số (theo thứ tự giảm dần) là cho phép giảm các chi phí, giảm giấy tờ, tiếp theo là giảm tiếp xúc trực tiếp và giúp quản trị kinh doanh hiệu quả hơn.
Đáng lưu ý, việc ra quyết định kịp thời, phát triển kinh doanh hiệu quả với ít nhân viên và phản ứng kịp thời với nhu cầu của khách hành lại nằm ở vị trí sau cùng về kỳ vọng của doanh nghiệp với các ứng dụng công nghệ số.
Khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp cũng cho thấy các doanh nghiệp lớn kỳ vọng nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ trong ứng dụng công nghệ số. Một phát hiện khác đáng chú ý trong khảo sát này là trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn hơn liên quan đến vấn đề nguồn lực nội bộ thì các doanh nghiệp lớn gặp phải nhiều nỗi lo hơn các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.
Liên quan đến các rào cản chuyển đổi số, ở mức độ lớn nhất là chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp; thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; thiếu thông tin về công nghệ số.
Về kiến nghị đề xuất, đa số các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng được các quy tắc để thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ, tiếp theo là hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn lực nội bộ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kết nối với các doanh nghiệp lớn trong nước.
Các chuyên gia dựa trên các kết quả khảo sát trên nhìn nhận, Covid-19 là cú huých mang tầm thế kỷ để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.
“Mặc dù là lĩnh vực công nghệ những chuyển đổi số thành công hay thất bại rõ ràng là không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia”- báo cáo viết.
Trách nhiệm của doanh nghiệp là cần đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang