Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:21

Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:21

Chính sách

Cập nhật lúc 17:58 ngày 26/04/2021

Doanh nghiệp trong vòng xoáy chuyển đổi số: "Đầu tư công nghệ chính là nuôi dưỡng nguồn thu"

“Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ, cải cách thể chế là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định. Trong đó, phải khắc phục tư duy lạc hậu coi việc doanh nghiệp đầu tư nhiều vào Quỹ Phát triển khoa học công nghệ khiến Nhà nước bị thất thu thuế (vì khoản đầu tư này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp). Phải hiểu rằng thực chất đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ -Nguyễn Quân
Thiếu chế tài khiến doanh nghiệp không mặn mà
- Theo ông, những yếu tố nào đang cản trở doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ là những vấn đề cần được doanh nghiệp quan tâm. Nếu không, hàng hóa không thể cạnh tranh và doanh nghiệp sẽ phá sản. Muốn vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến 3 yếu tố.
Thứ nhất là công nghệ. Doanh nghiệp phải nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, được nói nhiều trong kinh tế số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (block chain)…
Thứ hai là nguồn lực đầu tư. Rất nhiều công nghệ mới, nhiều người có ý tưởng đổi mới công nghệ nhưng lại không có nguồn vốn.
Thứ ba là nguồn nhân lực. Hiện, có hơn 95% doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn là doanh nghiệp thương mại, không phải là doanh nghiệp sản xuất nên họ không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước vào thời đại chuyển đổi số, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì doanh nghiệp không thể sản xuất thông minh, đồng nghĩa không thể cạnh tranh được. Chính 3 yếu tố đó khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong đổi mới công nghệ.
- Như ông nói, nguồn lực đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ, nhưng thực tế đã có quy định doanh nghiệp phải trích lập từ 3 - 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ Phát triển KHCN đấy chứ?
- Luật Khoa học công nghệ (KHCN) năm 2013 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chi tiết là các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc dành 3 - 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KHCN, doanh nghiệp ngoài nhà nước khuyến khích thực hiện như doanh nghiệp nhà nước. Nếu tất cả doanh nghiệp đều thực hiện thì nguồn đầu tư của xã hội để đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp rất lớn, có thể gấp 5 - 7 lần đầu tư của Nhà nước.
Tuy vậy, đáng tiếc là đến giờ, cả đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp cho các Quỹ Phát triển KHCN và đổi mới công nghệ chưa đạt mức như quy định. Nguyên nhân bởi chúng ta chưa có chế tài cụ thể, rằng nếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước không thực hiện thì bị xử lý ra sao? Do vậy, theo tôi, nên bổ sung quy định nếu doanh nghiệp nhà nước không thực hiện, Nhà nước có thể truy thu số tiền này để bổ sung vào Quỹ Phát triển KHCN của Nhà nước kèm theo xử phạt hành chính chẳng hạn. Thêm vào đó, chính những quy định hiện hành đối với các quỹ này cũng khiến doanh nghiệp e ngại dẫn đến không thực hiện.
- Ông có thể phân tích rõ hơn?
- Theo quy định, toàn bộ kinh phí dành cho KHCN của doanh nghiệp khi đưa vào Quỹ Phát triển KHCN phải chi tiêu sử dụng như là ngân sách nhà nước, trong khi Nhà nước chỉ cho họ khoảng 20% (tức là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp), 80% còn lại chính là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Khi muốn giải ngân quỹ này phải đúng theo quy định về nội dung chi, định mức chi, thủ tục quyết toán, việc cấp vốn theo tiến độ dự án… Trong khi đó, định mức chi theo quy định hiện hành rất lạc hậu, nội dung chi không đầy đủ, thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không trích lập quỹ này mà chấp nhận đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, phần còn lại 80% doanh nghiệp được sử dụng vào bất cứ việc gì họ muốn với các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi.
Nên thí điểm mô hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm
- Theo ông, đâu là giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ?
- Tôi cho rằng cần xét trên 2 phương diện. Trước hết, về phía doanh nghiệp, họ phải xác định hoặc đổi mới công nghệ, hoặc sẽ “chết”. Muốn vậy, họ cũng cần được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin về những cam kết hội nhập quốc tế để tuân thủ.
Về phía Nhà nước, quan trọng nhất là phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Việc hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng và hiệu quả, nhưng do nguồn lực khó khăn nên cần có cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Đồng thời, chúng ta phải khắc phục tư duy lạc hậu, quan niệm doanh nghiệp đầu tư quá nhiều cho Quỹ Phát triển KHCN có thể khiến Nhà nước bị thất thu thuế vì khoản tiền này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Phải hiểu rằng đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu. Một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu vài chục tỷ/năm, trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế tương đương khoảng 1 - 2% doanh thu thì họ chỉ đóng vào quỹ phát triển KHCN khoảng vài ba trăm triệu/năm là cùng, không đủ đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Do đó không nên hạn chế trần 10% mà nên để người ta đầu tư đổi mới KHCN theo nhu cầu.
- Cụ thể đối với các quỹ cho KHCN cần đổi mới phương thức hoạt động như thế nào?
- Phải nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước thông qua việc tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư phát triển của Nhà nước lẫn Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, các quỹ này ngoài tài trợ (nên có quy định cụ thể tỷ lệ) thì có thể cho vay, bảo lãnh vốn vay và không quá cứng nhắc đặt ra vấn đề bảo toàn vốn.
Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng khởi nghiệp, trong khi đó, chúng ta chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa. Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường gọi vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Tuy nhiên, do chưa có thông tư hướng dẫn về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (quỹ đầu tư mạo hiểm) theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2016 và Nghị định 38/2017/NĐ-CP nên nhà đầu tư nước ngoài cũng có những nghi ngại khi đầu tư tại Việt Nam, họ thường lôi kéo các startup của Việt Nam ra nước ngoài đăng ký kinh doanh. Do vậy, nên sớm thí điểm mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước ở quy mô nhỏ. Thông qua đó, chúng ta có những bài học kinh nghiệm về cơ chế vận hành quỹ, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan…, làm cơ sở để ban hành văn bản pháp luật về đầu tư mạo hiểm. Sau đó, Nhà nước có thể xem xét thoái vốn khỏi quỹ này hoặc tiếp tục đầu tư cùng tư nhân. Tôi tin là khi nhìn thấy Nhà nước đầu tư mạo hiểm thì tư nhân sẽ yên tâm và hào hứng tham gia!
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đại biểu nhân dân
lên đầu trang