Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:12

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:12

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 09:15 ngày 12/10/2016

Thực hư quanh chuyện xăng E5 gây hại cho động cơ xe cộ

Trước thông tin kể từ ngày 1.6.2016, xăng sinh học ethanol (E5) sẽ được bán tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quãng Ngãi, thay thế hoàn toàn loại xăng A92 truyền thống, nhiều người dân đang lo ngại, việc sử dụng xăng E5 có thể gây hại cho động cơ xe máy, gây cháy, nổ bởi khả năng ăn mòn cao hơn xăng thường. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) để tìm ra câu trả lời chính xác.

Nhiều người dân hiện nay đang lo ngại, xăng E5 là xăng pha thêm cồn, mà cồn thì có nước. Nếu xe để lâu không đi thì nước sẽ lắng xuống dưới, lúc đi máy không nổ được. Vậy theo ông, đây có phải là điểm khó khăn khi khi dùng xăng E5 không và cách xử lí như thế nào để người dùng yên tâm?

Thực hư quanh chuyện xăng E5 gây hại cho động cơ xe cộ

Với tỷ lệ pha 5% ethanol, thì xăng E5 có các chỉ tiêu chất lượng gần như không thay đổi so với xăng thông thường cùng loại.

Ngoài ra, ethanol có trị số octan cao (RON = 109) nên khi pha trộn vào xăng gốc giúp gia tăng trị số octan cho hỗn hợp nhiên liệu đồng thời nâng cao hiệu suất cháy, tỷ số nén cao hơn giúp tiết kiệm nhiên liệu, công suất và moment xoắn tốt hơn làm động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ. Đó là lý do vì sao nhiên liệu xăng sinh học được coi là nhiên liệu của tương lai, được cả thế giới quan tâm.

Việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng E5 rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng E5 và xăng thông thường.

Hiện nay, do thua lỗ, nhiều nhà máy xăng sinh học đã phải đóng cửa. Có ý kiến cho rằng, việc bỏ xăng A92 là động thái “cứu thua” cho các nhà máy này. Ông có đánh giá như thế nào về nhận định này?

Hiện nay, xăng RON 92 vẫn được sử dụng bình thường, chưa có quy định loại bỏ xăng RON 92 như một số báo đề cập. Xăng RON 92 phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành do Bộ KHCN ban hành.

Mặt khác, việc sử dụng xăng sinh học E5 sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường so với xăng RON 92. Chính vì vậy, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” kèm theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007.

Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trên, các Bộ, ngành liên quan đã có các kế hoạch phát triển lâu dài cho nhiên liệu sinh học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trong việc quy hoạch và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học, các Bộ ngành khác liên quan cũng triển khai những nhiệm vụ cụ thể của mình. Các nội dung liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng đã chuẩn bị xong.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học như Thái Lan, Philipin, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Mỹ và châu Âu, không chỉ là xăng E5 mà là xăng E10, thậm chí là xăng E18-E25  như Braxin. Các hãng sản xuất xe nổi tiếng thế giới như Honda, Toyota, GM, Ford… đã sản xuất các các dòng xe có khả năng sử dụng xăng sinh học tới mức E10 mà không cần hoán cải động cơ. Như vậy, có thể thấy đây là xu thế của nhiều nước trên thế giới vì họ nhận thấy rằng tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đối với an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước cũng như hiệu quả kinh tế – xã hội lâu dài của nhiên liệu sinh học.

Theo Bộ Công Thương thì khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, pha chế xăng E5 chính là nguồn cung cấp nguyên liệu ethanol (cồn) để sản xuất, pha chế xăng E5 hiện nay. Do đó, để hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol phục vụ cho việc sản xuất, pha chế xăng sinh học E5, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học nói chung và xăng sinh học nói riêng. Để khuyến khích người tiêu dùng làm quen và chấp nhận sử dụng nhiên liệu sinh học cần phải có chính sách hỗ trợ về giá bán, giảm thuế, phí, ví dụ như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Lao Động

lên đầu trang