Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:40

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:10 ngày 16/07/2018

Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam giải quyết bài toán về công nghệ

Công nghệ là yếu tố tiên quyết và quan trọng đối với sự phát triển của một nhà máy giấy. Trên thế giới, những tập đoàn giấy lớn như International Paper, Procter & Gamble, Kimberly-Clark, Stora Enso, Oji Paper,… luôn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại bậc nhất, đến từ các nhà cung cấp thiết bị ngành giấy và bột giấy hàng đầu Mỹ và Châu Âu như: Andritz, Kadant Lamort, Eimco, GL&V, Voith, ABB, KBC, Valmet,… Kết quả là họ không chỉ nâng cao được chất lượng, sản lượng giấy mà còn giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, ở Việt Nam, công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp giấy nhỏ và vừa chỉ ở mức trung bình, thậm chí lạc hậu, máy móc, thiết bị có chất lượng thấp, không đồng bộ nên mức tiêu hao năng lượng rất lớn. Mặt khác, do không được tối ưu hoá, nhiều quy trình trong công đoạn sản xuất phải thực hiện thủ công, dẫn đến năng suất lao động không cao, đôi khi xảy ra sai sót trong kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm sáng doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, tạo ra bước phát triển vượt trội như Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam. 

Một góc của hệ thống sản xuất tại Công ty Lee & Man Việt Nam 

Khi khởi công xây dựng nhà máy giấy tại Hậu Giang, Lee&Man Việt Nam đã bỏ ra 650 triệu đô-la Mỹ để có được dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại nhất thế giới từ những nhà cung cấp thiết bị sản xuất giấy hàng đầu như Cộng hòa Áo, Thuỵ Điển, Mỹ, Đức,… với công suất 420 ngàn tấn/năm. Đại diện công ty cho biết, với mức độ tự động hóa cao của dây chuyên này, mức tiêu thụ năng lượng và nước của Lee&Man Việt Nam ở mức rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành sản xuất giấy bao bì ở Việt Nam. Ngoài ra, công ty hoàn toàn có khả năng nâng công suất lên 1,420,000 tấn/năm và đang trong giai đoạn phát triển dự án này. 

Để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường, công ty còn đầu tư một lò hơi công suất 250T/h, một tuabin công suất 50MW sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn, công nghệ xử lý khí thải lưu huỳnh bằng đá vôi và lọc bụi bằng túi vải. 

Các kỹ sư của Công ty Lee & Man Việt Nam 

Đại diện công ty tự tin khẳng định Lee&Man Việt Nam đang đi đúng Quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020 có xét đến năm 2025 của Bộ Công thương: khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. 

Quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020 có xét đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 10508/QĐ-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2014 nêu rõ định hướng phát triển về công nghệ của ngành là: 

1. Ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy đối với các dự án đầu tư mới và nâng cấp cải tạo, bao gồm cả công nghệ sinh học, công nghệ về nhiên liệu sinh học (biomass) và công nghệ nano, triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

2. Nghiên cứu triển khai ứng dụng và đưa vào sản xuất các loại giấy các-tông kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp và dân dụng, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước đang bị ngành giấy bỏ ngỏ hiện nay, hạn chế nhập khẩu;

3. Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu năng lượng, nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế giấy loại (OCC và DIP) nhằm tiết kiệm tài nguyên rừng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Ngọc Diệp 

lên đầu trang