Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:13

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:13

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:26 ngày 30/05/2023

Chuyển đổi sang công nghiệp 4.0: Tạo giá trị và sức cạnh tranh mới

Chuyển đổi số ngành công nghiệp là chiến lược then chốt đưa doanh nghiệp từ các đặc trưng của thế hệ công nghiệp 3.0 về trước sang thế hệ công nghiệp 4.0.
Cơ hội tạo ra những giá trị mới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động mạnh mẽ tới động lực tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh vốn có của nền sản xuất hiện tại; thay đổi môi trường và điều kiện phát triển; cho phép các doanh nghiệp thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh vốn có, hình thành những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng các công nghệ mới cùng với quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, thể hiện ở khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi, đặc biệt là khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
“Không chỉ là vấn đề nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra những giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới” - ông Đào Trọng Cường nhấn mạnh.
Theo ông Đào Trọng Cường, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhìn nhận được những cơ hội cũng như những lợi ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại; tuy nhiên, để tận dụng được hay nói cách khác là để trở thành một nhà máy thông minh, một doanh nghiệp số sẽ cần một hành trình dài với quyết tâm của doanh nghiệp cũng như vai trò đòn bẩy, hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trước tiên, doanh nghiệp cần phải hiểu chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình có ý nghĩa như thế nào, doanh nghiệp cần, mong muốn gì và họ sẽ phải có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa. Nhận thức đầy đủ giúp doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận chủ động trước những cơ hội và thách thức, tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Hách, Giám đốc điều hành ITG Technology - Đơn vị vừa được vinh danh tại “Giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - i4.0 Awards” với giải pháp nhà máy thông minh 3S iFACTORY cho hay, xu thế toàn cầu hóa ngày một gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó là sự tham gia của Việt Nam vào hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số ngành công nghiệp chính là chiến lược then chốt đưa doanh nghiệp từ các đặc trưng của thế hệ công nghiệp 3.0 về trước sang trạng thái của ngày mai - thế hệ công nghiệp 4.0.
Chủ động đầu tư nhà máy thông minh
Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và“Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Hách, Giám đốc điều hành ITG Technology: Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “dè dặt” khi chuyển đổi số nằm ở khả năng nhận thức, ngân sách chi cho tự động hóa...
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng, hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được trong doanh nghiệp được triển khai một cách mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực nội tại từ đó tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng.
Các doanh nghiệp đang tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh. Nhiều điển hình trong thực hiện chuyển đổi số như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông…
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải chia sẻ, xác định ứng dụng công nghệ trong sản xuất là xu thế tất yếu góp phần thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời tối ưu hóa chi phí vận hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh, THACO đã ứng dụng các công nghệ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và áp dụng chuyển đối số với lộ trình nhanh và phù hợp.
THACO đã đầu tư các nhà máy thông minh tại Khu công nghiệp THACO Chu Lai gồm: Tổ hợp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, Tổ hợp các nhà máy sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, các nhà máy được ứng dụng hệ thống điều hành sản xuất (MES) trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền sản xuất tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng đến giao hàng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt khó có thể tự mình thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện. Ông Nguyễn Xuân Hách cho rằng, phần lớn nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “dè dặt” khi chuyển đổi số nằm ở: Khả năng nhận thức và cách tiếp cận; ngân sách chi cho tự động hóa và chuyển đổi công nghệ; các nội dung cần chuyển đổi số; cũng như lựa chọn đối tác cung cấp giải pháp số phù hợp.
Trước tình hình đó, ITG chính thức khởi động dự án: Factory DX - Hỗ trợ tư vấn chiến lược chuyển đổi số phát triển nhà máy thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, với mục tiêu hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho 50 Doanh nghiệp điển hình áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong giai đoạn 2023 - 2024”. Chương trình được tài trợ 100% kinh phí bởi ITG và các đối tác đồng hành, được triển khai trong vòng 18 tháng kéo dài từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2024.
“Dự án ra đời nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức mà những doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, đồng thời gia tăng các hình mẫu thành công trong thực tiễn, đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho một làn sóng các nhà máy thông minh sẽ sớm nở trong tương lai. Qua đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của toàn ngành công nghiệp Việt Nam hướng tới một nền sản xuất thông minh” - ông Nguyễn Xuân Hách thông tin.
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương): Đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp. Lộ trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp trong một bối cảnh phát triển mới.
Theo congthuong.vn/

lên đầu trang