Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:05

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:19 ngày 14/06/2023

Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sáng ngày 14/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chứcHội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2023.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Dương Duy Hưng - Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS. Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ngoài ra còn có sự hiện diện của khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, Visa Việt Nam và Lào; đại diện lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như BIDV, FPT, Huawei, Grab, AWS Việt Nam…
Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức.
Mở đầu hội thảo, TS. Dương Huy Hưng - Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW cho biết, tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định hơn; đặt ra những cơ hội, thách thức cũng như những thời cơ và thuận lợi mới. Tình hình này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi quốc gia phải phát triển mạnh mẽ hơn để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. 
Ở Việt Nam, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn là chủ trương, đường lối quan trọng, xuyên suốt của Đảng. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định và nhấn mạnh. Mới đây, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết nêu rõ coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt Nghị quyết nhấn mạnh ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn) là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.
TS. Dương Duy Hưng - Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Riêng trong lĩnh vực AI, những năm gần đây tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” (ngày 22/02/2023) do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam cũng được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia.
Đề cập đến vấn đề trí tuệ nhân tạo trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, PGS. TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục. Cụ thể, khi ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo thì nhiều vị trí việc làm, kỹ năng cần phải được cập nhật. Quy trình quản lý trong doanh nghiệp cần thay đổi hoàn toàn, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên trong các nghiên cứu được công bố gần đây đều cho thấy tốc độ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của Việt Nam còn chậm hơn nhiều so với thế giới.
 PGS. TS Bùi Thế Duy cho rằng quá trình triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Đối với vấn đề này, PGS. TS Bùi Thế Duy đề xuất các đơn vị, bộ ban ngành, các doanh nghiệp cần phải kết nối, tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên các trụ cột chính bao gồm: trụ cột về nhân lực (đào tạo các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và chuyên gia đào tạo kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho toàn xã hội); trụ cột về hạ tầng tính toán; trụ cột dữ liệu và trụ cột về thể chế, quy định. Đây là những yếu tố góp phần đảm bảo cho sự thành công trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam trong thời gian tới. 
Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa" được tổ chức nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về sự phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam; phát huy những vai trò, lợi thế đạt được của công nghiệp công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội thảo còn là địa chỉ để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trình bày các báo cáo, đưa ra những giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đã trình bày các báo cáo với nhiều nội dung hữu ích như: TS. Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) trình bày báo cáo “Thực trạng nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và định hướng đến năm 2030”; ông Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc kinh doanh khối Khách hàng Chính quyền, Trung tâm không gian mạng Viettel trình bày báo cáo “Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia"; ông Dương Lê Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, FPT Smart Cloud trình bày báo cáo “AI - Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong thời đại số"; TS Lê Thái Hưng - Giám đốc Chiến lược Hệ sinh thái, VNPT AI trình bày báo cáo “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại định hình các ngành công nghiệp số"; ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào trình bày báo cáo “Bước tiến mới của AI trong ngành sản xuất thông minh"; ông Nguyễn Anh Tú - Trưởng phòng nghiên cứu và ứng dụng AI, Noventiq Vietnam trình bày báo cáo “Trí tuệ nhân tạo (AI) - Chìa khóa tối ưu vận hành doanh nghiệp".
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày báo cáo tại hội thảo
Cũng tại hội thảo còn diễn ra phiên thảo luận bàn tròn được thực hiện dưới sự điều phối của ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi và làm rõ về xu hướng AI hiện nay và thực trạng AI tại Việt Nam, những vấn đề trong việc phát triển và ứng dụng AI; yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đưa AI vào thực tiễn để các doanh nghiệp có thể ứng dụng AI hiệu quả nhất; tiềm năng ứng dụng đa lĩnh vực của Trí tuệ Nhân tạo trong Kỷ nguyên số; những ứng dụng AI tại Việt Nam hiện nay và các ngành nghề có tiềm năng ứng dụng AI trong tương lai, định hướng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ AI tại Việt Nam...
Bài, ảnh: Quang Ngọc
lên đầu trang