Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 01:40

Thứ hai, 06/05/2024 | 01:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:07 ngày 26/04/2024

Khoa học và công nghệ đa dạng hóa sản phẩm từ quế và tinh dầu quế

Sáng 25/4/2024, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hiệp Hội Doanh Nghiệp Khoa Học Công Nghệ Việt Nam (VST) và Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) tổ chức “Lễ hội tinh dầu lần thứ nhất”, chủ đề “Quế và tinh dầu quế”.
Lễ hội nằm trong khuôn khổ sự kiện “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, chào mừng 65 năm ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là triển lãm ngành có quy mô lớn, góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối, chuyển giao công nghệ, xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ, mở rộng hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức khoa học, doanh nghiệp và đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, tiến đến mở rộng xuất khẩu trên thế giới.
Một số sản phẩm đặc trưng từ quế được trưng bày tại Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Lễ hội có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu tại các đơn vị như TS. Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dầu, Hương liệu và Phụ gia thực phẩm - Viện Công nghệ thực phẩm Việt Nam; PGS. TS. Bùi Quang Thuật - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm; PGS. TS. Phan Thị Sửu – Chuyên gia Tinh dầu - Viện công nghệ thực phẩm Việt Nam, GS. TS Phạm Quốc Long - Nguyên Viện trưởng Viện hoá học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS. TS. Ngô Đại Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu và Mỹ phẩm Việt Nam VOCA…Ngoài ra, lễ hội còn có sự tham gia của hơn 100 khách mời là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu, nuôi trồng, dinh dưỡng cây trồng, sản xuất các sản phẩm tinh dầu, mỹ phẩm, dược phẩm tại Việt Nam. 
PGS. TS. Ngô Đại Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu và Mỹ phẩm Việt Nam VOCA phát biểu tại sự kiện
Theo TS Ngô Đại Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Tinh dầu Hương liệu và mỹ phẩm Việt Nam VOCA, ngành tinh dầu quế là ngành có tiềm năng phát triển lớn, bởi nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất cao và luôn ở mức cung không đủ cầu. Nguyên nhân là do cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới, với diện tích khoảng 180.000 ha. Mặc dù có sản lượng lớn, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu. Nguyên nhân chính do vướng mắc ở hàng rào kỹ thuật chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng tinh dầu.
PGS. TS Bùi Quang Thuật - Nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) chia sẻ những ứng dụng của quế trong ngành thực phẩm đồ uống và gia vị
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng bàn luận về thực trạng ngành tinh dầu quế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, xuất khẩu và đưa ra những giải pháp giúp ngành tinh dầu nói chung và tinh dầu quế tại Việt Nam nói riêng phát triển, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho ngành tinh dầu quế Việt Nam tại thị trường quốc tế. Đây là dịp để các khách mời nói chung, những nhà kinh doanh, sản xuất tinh dầu quế nói riêng có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, từ đó đáp ứng được yêu cầu chất lượng khi xuất khẩu tinh dầu quế.
Trong khuôn khổ buổi lễ cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST). Lễ ký kết có sự chứng kiến của đại diện các đơn vị: Cục Thông tin KHCN Quốc gia - Bộ KH&CN; Trung tâm thông tin KH&CN Quốc gia; Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia; Hiệp hội doanh nghiệp KHC&CN Việt Nam.
Lễ ký kết hợp tác giữa VOCA và VST
Quế là tên gọi chung cho một số loài cây trong chi Quế Cinnamomum (thuộc họ Long não - Lauracaea). Quế là một trong những loại gia vị quan trọng và phổ biến nhất được sử dụng trên toàn thế giới. Hiện nay trên thế giới hiện có khoảng 300 loài, tuy nhiên, trong số đó có 4 loài quế chính mà sản phẩm từ các loài quế này được lưu thông nhiều trên thị trường thế giới đó là: Quế quan hay Quế xây lan (Cinnamomum verum), Quế bì hay Quế Trung Quốc (Cinnamomum cassia), Quế thanh hay Quế Việt Nam (Cinnamomum loureirii) và Quế rành (Cinnamomum burmanii), trong đó Quế quan (quế thực) được xem là loại quế có chất lượng tốt nhất và chiếm 90% thị phần EU.
Bộ phận quan trọng nhất của cây quế là vỏ quế, nó chứa khoảng 1-7% tinh dầu với thành phần chính là cinnamaldehyde (70 - 85%). Nhờ vậy mà vỏ quế có tính ấm, mùi thơm nồng dễ chịu, vị ngọt cay, phù hợp làm gia vị cho cả đồ ăn ngọt và đồ ăn mặn. Các sản phẩm quế chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất gia vị thực phẩm (ước khoảng 80%), trong đó vỏ quế là nguyên liệu chính.
Tố Uyên
lên đầu trang