Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:06

Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:06

Chính sách

Cập nhật lúc 09:35 ngày 03/08/2018

Bứt phá ngành công nghiệp nước nhà

Các chuyên gia kinh tế gần đây cho biết mặc dù ngành công nghiệp của Việt Nam đã trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo và ngày càng thăng trưởng ở mức cao, nhưng so với các quốc gia khác trong cùng giai đoạn đầu phát triển công nghiệp, tốc độ này chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa. Cụ thể, nếu như Nhật Bản, Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 30% thì con số này ở Việt Nam chỉ dựng lại là 15,1% (2011 - 2015). 


Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nước ta chủ yếu phát triển công nghiệp theo chiều rộng thay vì chiều sâu. Ngành chế biến, chế tạo tập trung ở những khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp; các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình thế giới: 76% thiết bị máy móc, dây chuyền nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ thập niên 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% được tân trang lại.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm đầu tư cho đổi mới công nghệ, với tỷ lệ đầu tư dưới 0,5% doanh thu, so với Ấn Độ là 5% và Hàn Quốc là 10%. Nếu Việt Nam không cải tiến công nghệ và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghiệp khó có cơ hội để cải thiện, nguy cơ tụt hậu là rõ rệt.


Thực tế, bối cảnh công nghiệp hóa đang có những thay đổi mạnh mẽ. Tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các nước đang tiến hành công nghiệp hóa. Nắm bắt được điều này, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. 

Nghị quyết đã nêu rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, bao gồm: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp. 

Nghị quyết 23 được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các cơ hội, vượt qua được thách thức, tạo tiền đề sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 

- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt Khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.

- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.

- Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

- Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.

- Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

 
Ngọc Diệp 
lên đầu trang