Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:32

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:32

Chính sách

Cập nhật lúc 11:06 ngày 04/12/2023

Một số đề xuất về quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương tại Việt Nam trong bối cảnh mới

Trong thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả nhất định. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm bước đầu đã có chuyển biến. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn thực phẩm đã được xây dựng và từng bước được hoàn thiện. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương đang được kiện toàn; thực hiện phân công phân, phân cấp và phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương bước đầu phát huy hiệu quả; công tác quản lý và đảm bảo an toàn thực phẩm có tiến bộ rõ nét ở một số mặt.
Hiện nay, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và một số văn bản dưới luật khác. 
Điều 61 của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” như sau: 
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.
Ngoài ra, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm cũng nêu rõ: “Các bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có hiệu quả”.
Ở cấp độ địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức, điều hành Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức tuyên truyền, vận động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bố trí nguồn lực cho các cơ quan chuyên môn để thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của địa phương. ổ chức tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp”.
Đánh giá chung những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nói chung và trong lĩnh vực Công Thương nói riêng cho thấy trong công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, việc duy trì được mạng lưới triển khai hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo định kỳ tới Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và phối hợp liên ngành chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đã giúp kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương và các tổ chức/cá nhân có liên quan duy trì phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Trong bối cảnh vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước, đồng thời cũng là trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước tại Việt Nam, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã từng bước được nâng lên, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, một bộ phận vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, giống nòi và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Theo Bộ Y tế, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.359 người mắc, trong đó 18 người tử vong. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính chung 9 tháng năm 2023 cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.356 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.
Hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; các chế tài chưa đủ mạnh khiến vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguyên nhân chính của những hạn chế trên, một phần do thị trường ngày càng phức tạp, tác động từ các yếu tố ngoại lai, các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm xuyên biên giới ngày càng tinh vi, nhưng cũng còn do do sự lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết của một số cấp trong hệ thống quản lý nhà nước; nhận thức của người sản xuất kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, còn quá đơn giản.
Có thể thấy tầm quan trọng của việc chú trọng việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tổ chức thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách và pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới biến động phức tạp, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh gia tăng. 
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, cần sự đồng bộ từ ba nhóm giải pháp: Cơ chế – chính sách; Kinh tế – xã hội ; Khoa học – công nghệ cũng như hành động từ phía: Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, cần điều chỉnh các văn bản luật quy định có liên quan đến VSATTP cho phù hợp với tình hình đất nước.
Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết một bài học kinh nghiệm của 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XII là tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển; từ đó, khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII là xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế và đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược trong những năm tới là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”( ). Như vậy, từ nay hoạt động của Nhà nước nói chung, công tác quản lý nhà nước nói riêng, phải nằm trong tổng thể thể chế phát triển đất nước và phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thành công thể chế đó. 
Trên tinh thần trên, công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm nói riêng phải đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Chính phủ tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tóm lại, trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu “tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”, ngành Công Thương cần quan tâm, chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau: 
- Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan quản lý an toàn thực thuộc ngành công thương; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện an toàn thực phẩm.
- Mở rộng hợp tác quốc tế để ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 
-  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; 
- Hỗ trợ phát triển hệ thống chợ, cửa hàng tiện lợi ở khu vực nông thôn; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở khu vực thành thị để phát triển hệ thống phân phối hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; 
- Tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. 
Nguyễn Thị Diễm Hằng - Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang