Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:48

Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:48

Chính sách

Cập nhật lúc 08:42 ngày 03/01/2024

Những điểm nhấn chính sách phát triển khoa học công nghệ 2023

2023 được xem là một năm có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ được hoàn thiện, thúc đẩy ứng dụng vào phát triển kinh tế.
Tháng 10/2023, báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu công bố, Việt Nam tăng hai bậc từ 48 lên 46 so với năm 2022 trên 132 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ. Kết quả này được tác động từ việc cải thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang cho việc phát triển. Việc tăng hạng của Việt Nam năm 2023 được ghi nhận ở chỉ số đầu vào, gồm 5 trụ cột: thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Ngày 30/1/2023 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo Bộ Chính trị, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng; là một trong 10 nước hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học góp 10-15% GDP.
Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học. Bộ Chính trị cũng yêu cầu các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm; sử dụng hiệu quả phát minh, sáng chế giá trị cao của thế giới. Việc đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng, nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế.
Xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu
Trong năm 2023, cụm từ "chấp nhận rủi ro, tính đặc thù và độ trễ trong nghiên cứu khoa học" nhiều lần được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đề cập trong các kỳ họp, diễn đàn về chính sách khoa học công nghệ. Đây được coi là bước đổi mới trong tầm nhìn, tiến đến xây dựng chính sách phát triển khoa học công nghệ Việt Nam thời gian tới. Một trong những bước đi cụ thể hóa tầm nhìn này thể hiện trong văn bản 690 ngày 31/7 của Thủ tướng về sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm vi mạch khi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng 4. Ảnh: Tùng Đinh
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan rà soát quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ làm khoa học.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu sớm ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung gỡ bỏ rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan liên quan cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chỉ đạo này được các nhà khoa học kỳ vọng sớm tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong các quy định về tài chính, đầu tư, tài sản, tạo động lực đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường.
Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ
Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hôm 5/10 lãnh đạo Chính phủ đã ký Chỉ thị về phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Trong Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Điều này giúp làm rõ các quy định về việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và tính đặc thù của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo xây dựng chỉ tiêu đánh giá thị trường khoa học công nghệ, mô hình hoạt động sàn giao dịch công nghệ... Thành lập 3 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM và một số sàn giao dịch cấp địa phương, kết nối mạng lưới quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao trong năm 2024, xây dựng, đưa vào sử dụng cổng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường khoa học và công nghệ nhằm cung cấp thông tin công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Sản phẩm máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp được chào bán tại Chợ công nghệ thiết bị (Techmart) TP HCM năm 2022. Ảnh: Hà An
Thông qua Luật giao dịch điện tử và Luật Viễn thông (sửa đổi)
Luật giao dịch điện tử thông qua hôm 22/6 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, giải quyết một số bất cập về quy định đảm bảo giá trị pháp lý; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật... trong giao dịch điện tử.
Luật sửa đổi được xây dựng theo hướng phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và kinh tế số, phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.
Luật Viễn thông (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa XV hôm 24/11, có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật ban hành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới. Cụ thể, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã bổ sung quy định về các dịch vụ mới, bao gồm dịch vụ cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Bộ luật cũng bổ sung quy định đối với các nội dung mới về phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số, thúc đẩy thị trường công nghệ viễn thông.
Hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn
Năm 2023, vi mạch bán dẫn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua các hoạt động tiếp xúc cấp cao với các quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực này. Mở đầu là hội nghị cấp cao đầu tư giữa Việt Nam - Mỹ ngày 11/9, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam các lĩnh vực công nghệ chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong chuyến thăm Mỹ một tuần sau đó, người đứng đầu Chính phủ có các buổi làm việc tại các tập đoàn bán dẫn hàng đầu như Synopsys, Nvidia. Trong biên bản ghi nhớ, Synopys hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Làm việc với Tập đoàn Nvidia, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh.
Gần 3 tháng sau, hôm 11/12 CEO Nvidia Jensen Huang sang Việt Nam với mục tiêu hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Ông nói sẽ hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.
Hiện Việt Nam có hơn 5.000 kỹ sư vi mạch cùng với 50 doanh nghiệp thiết kế chip hoạt động trong nước với lượng lớn là FDI. Các hoạt động này mang ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư vi mạch đến năm 2030.
Nguồn: vnexpress.net/
lên đầu trang