Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 08/09/2024 | 01:18

Chủ nhật, 08/09/2024 | 01:18

Chính sách

Cập nhật lúc 07:59 ngày 21/08/2023

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công cụ chuyển đổi số

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Đề án Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương, với mục tiêu tạo ra cộng đồng doanh nghiệp; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số.
Những doanh nghiệp tiên phong
Chuyển đổi số có mặt khá phổ biến ở những doanh nghiệp lớn nước ta. Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện, gồm ba giai đoạn: xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; khai thác số hoá hiệu quả cho vận hành; quản trị toàn diện bằng dữ liệu.
Việc chuyển đổi số trong vận hành cho phép tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và Hoà Phát để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng được Tập đoàn chú trọng đầu tư nhằm chuẩn bị nền móng vững chắc cho hành trình chuyển đổi số. 
Cụ thể, Hệ thống Trung tâm Dữ liệu theo tiêu chuẩn TIA 942 đã được xây dựng tại các trọng điểm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Dương và Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, một số công nghệ được ứng dụng có thể kể đến như hệ thống tường lửa (APT), hệ thống sao lưu dự phòng, công nghệ ảo hóa (HCI), hệ thống giám sát môi trường, hệ thống lưu điện UPS, v.v… Theo kế hoạch, trong 2023, Tập đoàn sẽ hoàn tất việc quy hoạch IP toàn hệ thống và triển khai các hệ thống giám sát trung tâm dữ liệu.
Riêng với Thép Hòa Phát Dung Quất, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng và go-live thành công nhiều dự án phần mềm, ứng dụng tích hợp các nền tảng khoa học công nghệ như AI, điện toán đám mây, bảo mật đa phương thức… vào đào tạo, vận hành và quản trị doanh nghiệp. Có thể kể đến như: Hệ thống điều hành khai thác Cảng PL, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office), phần mềm quản lý nhân sự Time 365… Trong đó, có nhiều phần mềm do chính đội ngũ nhân sự Công ty nghiên cứu và phát triển.
Cũng trong ngành thép, nhờ ứng dụng phần mềm quản lý ERP ROSY, Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL đã kiểm soát hiệu quả các nguồn lực, đưa nó thành các công cụ quản lý cho mình. Cụ thể là cho phép người sử dụng truy cập nguồn dữ liệu của công ty nhanh chóng, an toàn, ổn định theo phân quyền sử dụng dữ liệu và loại dữ liệu nào được phép sử dụng trong phạm vi quyền hạn được phân công.   
Khi sử dụng phần mềm quản lý, người cán bộ dễ dàng tiếp cận các thông tin quản trị đáng tin cậy để có thể đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời. Trước đây khi chưa có phần mềm, họ phải dựa vào nhiều nguồn để có được thông tin cần thiết dùng cho việc phân tích tình hình tài chính và hoạt động của Công ty.
Đến thời điểm này, Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL đã ứng dụng phần mềm quản lý ERP ROSY trong mua, nhập, xuất vật tư nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; quản lý sản xuất tại phân xưởng; bán hàng; tài chính, kế toán; bảo trì thiết bị; quản lý kho vật tư phụ tùng...
Trong ngành hoá chất, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đã bắt tay cùng MISA thực hiện dự án tự động hóa toàn bộ quy trình từ khâu tìm kiếm, tiếp cận đến chăm sóc sau bán; và phục vụ, hỗ trợ kịp thời tất cả khách hàng từ nhà phân phối, đại lý, người nông dân đến các khách vãng lai do marketing mang lại. Phần mềm AMIS Bán hàng nằm trong nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS giúp giám sát hiệu quả đội ngũ cán bộ thị trường giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc của nhân viên thị trường. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, duy nhất và dễ dàng truy xuất, tổng hợp và phân tích dữ liệu dưới dạng đồ thị, hình ảnh…
Kênh kết nối chuyển đổi số
Có thể thấy, những bài toán trong thực hiện chuyển đổi số, sản xuất thông minh phần lớn do các doanh nghiệp lớn đi tiên phong. Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn trong chuyển đổi số. Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương sẽ triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Đề án Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương, với mục tiêu tạo ra cộng đồng doanh nghiệp; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số.
Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương được xây dựng nhằm các mục tiêu:
Thứ nhất, thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số;
Thứ hai, tiếp cận công cụ chuyển đổi số từ bước tư vấn thực trạng doanh nghiệp, khả năng chuyển đổi số đến các combo giải pháp công nghệ thuộc 05 nhóm giải pháp: Quản trị vận hành, bán hàng và marketing, Logistics, thanh toán và tài chính, Đào tạo, phát triển nhân lực số và truyền thông.
Thứ ba, triển khai nhiều “điểm chạm” với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu triển khai các hoạt động chuyển đổi số toàn diện cho đơn vị mình bao gồm: (i) Hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, và đánh giá tín nhiệm cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp; (ii) Các khoá đào tạo/tập huấn: cung cấp các khoá học từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với nhiều nhóm doanh nghiệp; (iii) Cẩm nang chuyển đổi số - cung cấp các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số từ cơ bản đến chuyên sâu; (iv) Câu chuyện chuyển đổi số - chia sẻ những điển hình đã đạt được những hiệu quả nhất định trong quá trình chuyển đổi số, nền tảng đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số; (v) Mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số - Kết nối cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu triển khai chuyển đổi số trực tiếp tới các chuyên gia trong nhiều ngành nghề khác nhau đang có những hoạt động tư vấn chuyển đổi số hiệu quả; (vi) Chuỗi các sự kiện chuyển đổi số chia theo lĩnh vực, ngành nghề và quy mô doanh nghiệp, các Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số và giải thưởng cho các ý tưởng chuyển đổi số dành cho khối sinh viên các khoa TMĐT, kinh tế số, công nghệ thông tin…
Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương sẽ là kênh kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp uy tín về chuyển đổi số với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa ngành Công Thương. Kết nối các nguồn lực xây dựng, đưa vào vận hành thử Hệ sinh thái trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Công Thương
lên đầu trang