Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:36

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:36

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:03 ngày 01/09/2018

Trăm "sáng kiến" đua nở tại Super Lâm Thao

Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao) là một trong những đứa con đầu lòng của nền công nghiệp Việt Nam, được đưa vào vận hành sản xuất ngày 24 tháng 6 năm 1962. 
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn giữ vững vai trò ngọn cờ đầu trong ngành sản xuất kinh doanh phân bón, hóa chất nước ta, cung ứng gần 20 triệu tấn phân bón cho đồng ruộng, sát cánh cùng nông dân cả nước làm nên những vụ mùa bội thu, góp phần đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.
Sự trưởng thành của công ty không chỉ thể hiện qua năng lực sản xuất, các dự án phát triển mà quan trọng hơn cả là công ty đã khẳng định được thương hiệu của mình trong sự phát triển chung của xã hội. Thương hiệu Lâm Thao "ba nhành lá cọ xanh" đã trở nên quen thuộc trong nền kinh tế nước nhà, đặc biệt, tên gọi "Phân bón Lâm Thao" đã in sâu vào tiềm thức đông đảo bà con nông dân cả nước.
Anh Nguyễn Tiến Dũng kiểm tra thiết bị lọc tách bùn trong công nghệ xử lý dung dịch axít H2SiF6 
Để đạt được những thành tích to lớn ấy, phải kể đến sự nỗ lực lao động sáng tạo không ngừng của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty qua nhiều thế hệ. Tại Supe Lâm Thao, các sáng kiến, giải pháp của anh chị như “trăm hoa đua nở” với hàng trăm đề tài được công nhận giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, nhiều sáng kiến tiêu biểu được áp dụng rộng rãi trong toàn đơn vị đã làm tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và thân thiện với môi trường. 
Mới đây nhất, năm 2017, anh Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Phòng Cơ điện đã xuất sắc nghiên cứu thành công 2 đề tài cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm lợi cho công ty số tiền lên đến hàng tỷ đồng. 
Về sáng kiến “Cải tạo máy nghiền bi ướt của dây chuyền Supe 1 đáp ứng yêu cầu công nghệ cho thiết bị xử lý dung dịch axít H2SiF6 trong sản xuất supe lân, giảm chi phí đầu tư thiết bị” anh Dũng cho biết máy nghiền bi ướt có công suất 20 tấn/giờ/máy, được công ty đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2012 để nghiền quặng apatít nguyên khai loại I. Tuy nhiên, hiện nay công ty nhập quặng đã qua nghiền với chất lượng tương đương quặng tuyển nên bộ phận này tạm dừng không sử dụng.
Yêu cầu cấp thiết đề ra là làm cách nào xử lý nước thải sản xuất supe lân, trong đó dung dịch axit H2SiF6 = 12% được nghiền với quặng apatít nguyên khai loại II sau đó tái sử dụng vào sản xuất supe lân. Xuất phát từ nhu cầu đó, từ cuối năm 2016, anh Dũng đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm giải pháp cải tạo, thiết kế lại toàn bộ phần cấp nhiên liệu đầu vào, đầu ra bằng vật liệu chịu ăn mòn axit H2SiF6 (Thép SUS316).
Sáng kiến của anh Dũng đã được Hội đồng nghiên cứu khoa học và sáng kiến sáng chế công ty đánh giá cao. Theo tính toán, sáng kiến này sau khi đưa vào áp dụng thực tế đã giúp máy nghiền bi ướt hoạt động ổn định, giảm thiểu đáng kể chi phí sửa chữa, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là làm lợi cho doanh nghiệp gần 900 triệu đồng.
Gần 26 năm làm việc tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, trải nghiệm qua nhiều bộ phận công tác từ Phân xưởng đóng bao, Xí nghiệp Axit 1, Xí nghiệp NPK Vật liệu xây dựng đến Phòng Cơ điện, anh Dũng luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, phát minh nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là lý do vì sao anh Dũng đã 4 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo và được tuyên dương trong toàn ngành vào các năm 2009, 2013, 2015 và năm 2017.
Ngọc Diệp 
lên đầu trang