Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:31

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:31

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:48 ngày 27/12/2023

Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các chính sách thúc đẩy năng suất cần tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Mặc dù, trong vòng hai thập kỷ qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu năng suất từ cấp nền kinh tế, cấp địa phương, đến cấp doanh nghiệp, nhưng các nghiên cứu này chưa đồng bộ đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, chính sách và lộ trình cụ thể gắn với tổng thể chung để cải thiện năng suất của quốc gia. Để đạt được các mục tiêu như trong các văn bản quy phạm đã đặt ra, để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất lao động của quốc gia và tăng trưởng bền vững và là một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần xây dựng và phát triển Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất và tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Từ thực tế trên, năm 2020, ThS. Nguyễn Thị Lê Hoa và nhóm nghiên cứu tại Viện Năng suất Việt Nam thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu sau: xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất của Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thông qua phân tích thực trạng năng suất và đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề tác động tới nâng cao năng suất bằng phương pháp phỏng vấn 50 các tổ chức, đơn vị quản lý, nghiên cứu thuộc các bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp … và hàng trăm doanh nghiệp gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nghiên cứu đã đề ra các mục tiêu nâng cao năng suất cho giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phù hợp với mục tiêu và bối cảnh hiện nay.
Bản dự thảo Kế hoạch đã được thảo luận, đóng góp ý kiến nhiều lần của các chuyên gia trong nước, quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan ở cấp Trung ương và địa phương, các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự thảo Kế hoạch và bản đề án đã đủ các điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ, chất lượng và đầy đủ nội dung theo yêu cầu.
Thông qua bản Kế hoạch này, vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng của nâng cao năng suất, trong đó đối tượng chính là doanh nghiệp, khu vực tạo giá trị kinh tế chủ yếu của đất nước. Các chính sách thúc đẩy, nâng cao năng suất và chính sách thúc đẩy hoạt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tới năng suất thông qua nghiên cứu phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ, đổi mới công nghệ và các giải pháp quản trị, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dự thảo báo cáo cũng đề xuất hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất với sự tham gia của các ngành, các thành phần trong xã hội; từ trung ương tới địa phương, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, người lao động… Các thành phần này được liên kết với nhau, góp phần thúc đẩy năng suất quốc gia.
Các khía cạnh tác động khác nhau đều được quan tâm trong Kế hoạch, từ khía cạnh truyền thông nhận thức về vai trò khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất đến việc xây dựng các chính sách khuyến khích, nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm cải tiến năng suất cụ thể, nâng cao năng lực cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai… Năng lực nghiên cứu, phát triển trong nước được cải thiện nhờ vào các dự án nghiên cứu, thực thi các giải pháp cải tiến năng suất và thông qua các hợp tác quốc tế, hợp tác nghiên cứu trong nước về các chủ đề liên quan.
Nguồn: Vista
lên đầu trang