Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 00:22

Thứ bảy, 27/04/2024 | 00:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:00 ngày 01/09/2018

Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Sáng ngày 30/8/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) tổ chức diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường Khoa học Công nghệ”. Tham dự diễn đàn có đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến đưa tin về sự kiện. 
Phát biểu tại diễn đàn, ông TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã đưa ra thực trạng hiện nay trình độ công nghệ áp dụng trong doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Khảo sát của VCCI năm 2016 cho thấy có đến gần 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. 
Ông TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xử từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32% trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.
Từ những con số thực tế trên, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: PetroTimes)
Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần.
Việc đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KHCN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).
Theo nhận định của giới chuyên gia, điều này cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp (bên cầu trong thị trường KHCN) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) vẫn còn rất hạn chế.
“Vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện/trường cho các doanh nghiệp dường như là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KHCN, nhằm nâng cao trình độ KHCN ở Việt Nam” – TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Các chuyên gia thảo luận về “Mô hình điển hình của liên kết trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ”. (Ảnh: VTV)
Diễn đàn được chia làm 3 phiên với sự tham gia của các mô hình tiêu biểu trong nước và quốc tế như: mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học, mô hình gắn kết giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu hay việc hình thành các viện nghiên cứu ngay trong doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để phát triển của thị trường khoa học công nghệ, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh các hoạt động liên kết và xúc tiến những hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể hỗ trợ xây dựng hệ thống vườn ươm, chuyển giao tri thức, đào tạo chuyên gia, nhà quản lý để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu để có thể tiếp cận nhanh chóng với xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  
Tao đổi tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Để góp phần phát triển thị trường KHCN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến phát triển thị trường KHCN nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ là rất quan trọng".
Về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường khoa học và công nghệ hiện nay đã được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng được như mong muốn của các bên tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ, sự kết nối giữa các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KHCN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại hiện còn hạn chế.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: VietTimes)
Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
"Do đó, để đưa sản phẩm khoa học công nghệ gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức Viện trường/tổ chức trung gian/doanh nghiệp KHCN/Tập đoàn/Doanh nghiệp/Hiệp hội DN", ông Tùng nhấn mạnh.
Ngọc Linh

lên đầu trang