Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:10

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:10

Chính sách

Cập nhật lúc 09:31 ngày 09/11/2018

“Cú húych” cho thị trường khoa học và công nghệ

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là nơi diễn ra các giao dịch mua-bán các sản phẩm KH&CN (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động KH&CN). Ở Việt Nam, thị trường này đang có những bước tiến đáng kể, với số lượng giao dịch công nghệ ngày càng tăng.  

Thị trường KH&CN Việt Nam đang phát triển sôi động
Nỗ lực tạo lập thị trường
Mới đây, tại sự kiện Trình diễn và Kết nối cung-cầu công nghệ năm 2018 (Techdemo 2018) đã có 14 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với giá trị 240 tỷ đồng. Trước đó, tại TechDemo 2017, đã có 12 hợp đồng chuyển giao công nghệ, giá trị hơn 200 tỷ đồng được ký kết giữa các đơn vị trong nước và nước ngoài. Hay thông qua các điểm kết nối cung-cầu công nghệ dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 và đầu năm 2018 nhưng đã có 19 biên bản, hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết…
Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, thị trường KH&CN đang được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy, sự gia tăng của các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã tỷ lệ thuận với sự “nở rộ” số lượng và giá trị các giao dịch công nghệ giữa doanh nghiệp (DN) với các cơ sở nghiên cứu.
Theo Bộ KH&CN, trong những năm qua, hoạt động phát triển thị trường KH&CN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, môi trường pháp lý được cải thiện như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg. Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN…
Bên cạnh đó, năng lực nguồn cung công nghệ đã tăng lên. Hiện nay, chúng ta có 4 khu công nghệ cao ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai; 8 công viên phần mềm; 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo DN công nghệ cao, 15 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố, 7 điểm kết nối cung-cầu công nghệ. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 20 cơ sở ươm, tạo hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng công nghệ gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học; 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gồm TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nhiều chính sách thúc đẩy DN ứng dụng KH&CN
Cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Để thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, năm 2017, Bộ KH&CN đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu công nghệ của 563 DN tại 12 tỉnh/thành phố; xác định 112 nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung công nghệ, tư vấn kỹ thuật và hợp tác đầu tư với kinh phí dự kiến đầu tư trên 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã tổng hợp được 1.900 công nghệ mới sẵn sàng chuyển giao, trong đó trên 300 công nghệ mới từ các nước phát triển. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung-cầu công nghệ. Theo đó, phần mềm đã cập nhật gần 1.000 loại nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước; gần 10.000 DN sản xuất; 200 chuyên gia công nghệ để phục vụ công tác tư vấn cho DN trong ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), không có tiềm lực về nhân lực, vốn, trình độ quản lý, năng lực nghiên cứu … Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này, khiến cho thị trường KH&CN phát triển chưa được như kỳ vọng. Trong khi đó, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc đổi mới công nghệ sẽ là “kim chỉ nam” giúp DN cải thiện điều kiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, tiết giảm chi phí… từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trong thời gian qua, VCCI đã có nhiều hoạt động nhằm giúp DN cập nhật, đổi mới công nghệ thiết bị. Thông qua chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo/diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các DN trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, VCCI đã giới thiệu, kết nối, chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội... cho các DN Việt Nam.
“Thời gian tới, để đưa sản phẩm KH&CN gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, đồng thời phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường KH&CN. VCCI mong muốn sẽ thành lập được một hiệp hội tập hợp các DN KH&CN, các tổ chức trung gian giúp phát triển thị trường KH&CN” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Bộ KH&CN: Phát triển thị trường KH&CN là một trong những định hướng quan trọng, quyết định đến hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hoạt động KH&CN hiện nay.
Theo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang