Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:57

Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:57

Chính sách

Cập nhật lúc 14:25 ngày 25/04/2019

Hoạch định chiến lược KH, CN và đổi mới sáng tạo dựa trên nhìn trước công nghệ

Cần lưu ý đến bối cảnh quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành; chú ý đến ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan chuyên trách; xây dựng kế hoạch, chiến lược hướng đến đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ;…
Đó là một số chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về việc hoạch định mang tầm chiến lược với KH, CN và đổi mới sáng tạo dựa vào việc nhìn trước công nghệ. Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược quốc gia trong tương lai và nhìn trước công nghệ” do Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc (STEPI) phối hợp tổ chức ngày 18/4,  tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày và cùng trao đổi 6 tham luận (3 tham luận của Hàn Quốc và 3 tham luận của Việt Nam): Giới thiệu về hoạch định chiến lược quốc gia và nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của GS. Young II Park, Đại học Ewha, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Hàn Quốc; Giới thiệu về nhìn trước công nghệ và ứng dụng của TS. Byeongwon Park - Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc; Các viện nghiên cứu thuộc Chính phủ đang chuẩn bị như thế nào cho tương lai của TS. Yoohyung Won - Viện KH&CN Hàn Quốc; Tổng quan về chiến lược và chính sách STI của Việt Nam của PGS.TS Trần Ngọc Ca - Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia; Phát triển và ứng dụng nhìn trước công nghệ tại Việt Nam của TS. Bạch Tân Sinh - Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo; Trường hợp nhìn trước công nghệ Việt Nam - Dự án kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam của TS. Nguyễn Đức Hoàng - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN).
Các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chiến lược STI, nhìn trước công nghệ của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng như: kế hoạch dài hạn, khung cơ bản, những cơ hội/thách thức, bài học rút ra cho giai đoạn tiếp theo về STI; lý do của sự bùng nổ nhìn trước công nghệ trong thời gian gần đây, quy trình dự báo, liên kết dự báo với hoạch định chính sách, dự báo công nghệ với hệ thống đổi mới quốc gia; chiến lược STI trong xác định những vấn đề nghiên cứu và phát triển; Viện KH&CN Hàn Quốc với mục tiêu chiến lược STI, đóng góp của Viện này đối với chính sách STI của Hàn Quốc…
Theo đó, việc hoạch định mang tầm chiến lược với KH, CN và đổi mới sáng tạo dựa vào việc nhìn trước công nghệ cần xem xét kế hoạch đó có nằm trong chiến lược phát triển tổng thể quốc gia và liên quan đến các ngành khác như thế nào; thời điểm thực hiện phải gắn với thời điểm thực hiện và định hướng của chiến lược phát triển quốc gia; cần lưu ý đến bối cảnh quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; chú ý đến ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan chuyên trách; xây dựng kế hoạch, chiến lược hướng đến đổi mới sáng tạo KH&CN;…
Theo GS. Young II Park, Đại học Ewha, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Hàn Quốc, vai trò phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan ban, ngành rất quan trọng và để có cơ chế hợp tác tốt cần đặt ra những tiêu chuẩn, nguyên tắc nhất định; điều tra nhu cầu, dự báo KH, CN và đổi mới sáng tạo; phát triển năng lực phân tích, thống kê để có thể tiếp tục xây dựng, bổ sung chiến lược. Đặc biệt, phát triển hệ thống khung chính sách pháp lý và giao cho một đơn vị giám sát…
Nhiều vấn đề đã được các đại biểu Việt Nam đặt ra để cùng các chuyên gia Hàn Quốc trao đổi, thảo luận như Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm gì cho việc sử dụng nhìn trước công nghệ cho chiến lược STI? Những vấn đề gì cần lưu ý trong việc xây dựng công cụ nhìn trước hiệu quả hơn trong bối cảnh chuyển đổi KH&CN trung hạn và dài hạn hiện nay theo hướng có sự tham gia của các bên liên quan?..
Được biết, trong khuôn khổ Chương trình ODA-K Innovation hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Dự án “Tư vấn chính sách nhằm tăng cường năng lực Nhìn trước cho hoạch định chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới ở Việt Nam (2019-2020)” được xây dựng và đã đươc Bộ Kinh tế - Tài chính và Bộ Ngoại giao (Hàn Quốc) thông qua. Viện STEPI được giao thay mặt hai 2 Bộ điều phối Dự án. Hội thảo “Chiến lược quốc gia trong tương lai và nhìn trước công nghệ” nằm trong khuôn khổ Dự án nói trên nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc và Việt Nam về hoạch định mang tầm chiến lược với KH, CN và đổi mới sáng tạo dựa trên nhìn trước công nghệ./.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
lên đầu trang