Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:43

Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 22:04 ngày 25/01/2020

Khoa học và công nghệ Việt Nam: Sáu thập kỷ phát triển cùng đất nước

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáu mươi năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, KH&CN Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành, chứng kiến những bước tiến đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của cả dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngành KH&CN đã góp phần vào những thành tựu vĩ đại đó.
Bài viết điểm lại những mốc son lịch sử và những thành tựu “không thể phai mờ” trong chặng đường 60 năm KH&CN đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
KH&CN qua các giai đoạn phát triển
Trong phiên họp ngày 29/4/1958 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I đã quyết nghị thành lập UBKHNN để giúp Chính phủ xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật (KH&KT). Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã cử Ban trù bị do ông Tạ Quang Bửu làm Trưởng ban để xúc tiến việc thành lập UBKHNN. Ban trù bị dự thảo Đề án về đường lối, phương châm, nhiệm vụ trước mắt của khoa học Việt Nam và Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của UBKHNN. Sau khi tổ chức hội thảo trưng cầu ý kiến của 50 nhà KH&KT tiêu biểu trong nước, ngày 20/11/1958, các Đề án đã được trình Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ. Ngày 11/12/1958, Hội đồng Chính phủ đã thông qua các Đề án này và cử các thành viên của UBKHNN. Trong phiên họp ngày 14/12/1958, Quốc hội đã cử Phó Thủ tướng Chính phủ Trường Chinh kiêm chức Chủ nhiệm đầu tiên của UBKHNN.
Giai đoạn từ năm 1959 đến 1965
UBKHNN chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, ngày 13/3/1959, UBKHNN được Ban Bí thư giao nhiệm vụ tham mưu xử lý “những vấn đề mới và lớn” để triển khai Chỉ thị số 133-CT/TW về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh. Đó là ý tưởng tổ chức ban kỹ thuật của các khu tự trị, tỉnh/thành phố, sau này trở thành cơ quan giúp các cấp ủy lãnh đạo công tác KH&KT ở địa phương; đồng thời, thành lập Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật ở Trung ương và địa phương.
Ba năm sau ngày thành lập, ngày 4/4/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 43-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của UBKHNN. Theo đó, Ủy ban là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác KH&KT theo đường lối của Đảng và Nhà nước, đưa nền KH&KT Nam lên trình độ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Giai đoạn từ năm 1965 đến 1975
Từ năm 1965, Đế quốc Mỹ đã chuyển sang trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bên cạnh yêu cầu tăng cường chi viện cho miền Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ, miền Bắc lúc này vừa phát triển sản xuất để bảo đảm đời sống nhân dân, vừa không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng. Tình hình KH&KT của miền Bắc đã có những tiến bộ rõ rệt: đội ngũ cán bộ KH&KT từng bước lớn mạnh; các cơ sở nghiên cứu KH&KT, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được hình thành và gia tăng so với giai đoạn trước; công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu, ứng dụng KH&KT cũng như phong trào quần chúng tiến quân vào KH&KT ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, so với yêu cầu to lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH thì lực lượng và khả năng KH&KT của nước ta còn rất hạn chế, gặp nhiều, khó khăn do điều kiện chiến tranh.
Trong hoàn cảnh chiến tranh gay go, ác liệt, với niềm tin vững chắc ở thắng lợi cuối cùng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc chuyển hướng và tăng cường công tác KH&KT nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo đảm đời sống trước mắt của nhân dân, chuẩn bị phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH với quy mô lớn, trình độ cao sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 165-NQ/TVQH ngày 11/10/1965 về việc phân chia Ủy ban thành 2 cơ quan: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKH&KTNN) và Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, phát triển cả khoa học tự nhiên - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn. Hội đồng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 163-CP ngày 1/9/1966 về phương hướng, nhiệm vụ công tác nghiên cứu KH&KT hai năm 1966-1967. Ban Bí thư đã ra Nghị quyết số 157-NQ/TW ngày 22/2/1967 về tăng cường công tác KH&KT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giai đoạn từ 1975 đến 1986
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta bước vào giai đoạn lịch sử mới, cả nước độc lập thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng XHCN. Tư tưởng chủ đạo của giai đoạn này (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng) là tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng KH&KT là then chốt. Giai đoạn này, bên cạnh những điều kiện thuận lợi được mở ra khi nước nhà đã thống nhất, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn: cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, cơ cấu kinh tế chưa cân đối, năng suất lao động thấp, sản xuất chưa đảm bảo được nhu cầu đời sống và tích lũy, bắt nguồn từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, lại bị chiến tranh lâu năm và chủ nghĩa thực dân mới kìm hãm, phá hoại.
Trước yêu cầu to lớn và cấp bách về phát triển KH&KT trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ đã quyết định tách khối nghiên cứu ra khỏi UBKH&KTNN để thành lập Viện Khoa học Việt Nam (Nghị định 118-CP ngày 20/5/1975) nhằm tạo điều kiện tăng cường đồng thời cả hai lĩnh vực nghiên cứu KH&KT và quản lý KH&KT.
Giai đoạn từ 1986-1992
Đây là thời kỳ có những thay đổi quan trọng trong đường lối, chủ trương, chính sách về xây dựng đất nước, tác động mạnh mẽ và quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, KH&CN nói riêng. Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, chủ trương chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu sang nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN đã tác động trực tiếp tới việc đổi mới cơ chế quản lý KH&KT. Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986) đã khẳng định “Cơ chế quản lý kinh tế, quản lý KH&KT phải đòi hỏi và khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng rộng rãi các thành tựu KH&KT, đưa lại hiệu quả thiết thực”.
Năm 1990, UBKH&KTNN được đổi tên lại là UBKHNN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhằm khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng rộng rãi các thành tựu KH&KT, đem lại hiệu quả thiết thực cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Chức năng nhiệm vụ của UBKHNN về cơ bản vẫn thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của UBKH&KTNN, ban hành kèm theo Nghị định 192/CP ngày 13/10/1975 của Hội đồng Chính phủ.
Giai đoạn 1992-2002
Đất nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này tăng mạnh, đi theo đó các hoạt động nhập khẩu và chuyển giao công nghệ ngày càng phổ biến, vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có tính toàn cầu. Việc quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường đã trở nên cấp bách, đặt ra yêu cầu khách quan phải hình thành cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đảm nhiệm trọng trách này. Vì vậy, ngày 30/9/1992, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Việc thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong giai đoạn này khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường.
Năm 2002, để tập trung hơn cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN trong phạm vi cả nước, khẳng định vị thế và vai trò của cơ quan giúp Chính phủ trong điều phối và thúc đẩy các hoạt động KH&CN, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước, tháng 8/2002 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được đổi tên thành Bộ KH&CN với một số điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ; lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường được chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm.
Giai đoạn 2002 đến nay
Kể từ sau khi được đổi tên thành Bộ KH&CN, để KH&CN ngày càng đóng góp thiết thực và toàn diện hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ không ngừng được củng cố và hoàn thiện qua các thời kỳ.
Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN khẳng định “Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật”.
Trong giai đoạn này, nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN được hình thành và phát triển, đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng nhanh, nhất là từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, các hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển, nhất là sau khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), gia nhập ASEAN, APEC, ASEM, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ đầu năm 2007... Những điều kiện đó đặt ra yêu cầu khách quan, đòi hỏi KH&CN phải thích ứng, đồng hành và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo Dự Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2017).
Thành tựu chủ yếu của 60 năm xây dựng và phát triển
Công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách và tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN
Trong 60 năm qua, Bộ KH&CN và các cơ quan tiền thân của Bộ luôn làm tốt chức năng tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước ban hành các quyết sách đúng đắn về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN trong từng thời kỳ phát triển của đất nước; đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN dài hạn, trung hạn. Các văn bản có tính định hướng này đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của KH&CN trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Bộ cũng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành
 
theo thẩm quyền các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KH&CN quốc gia; xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội thông qua các dự án luật, pháp lệnh trong lĩnh vực KH&CN; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Các văn bản này đã tạo nên một hệ thống khá hoàn chỉnh các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động KH&CN trong từng thời kỳ.
Chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong quản lý nhà nước về KH&CN bằng công cụ pháp luật và hình thành nền tảng pháp lý cho phương thức quản lý KH&CN của một Nhà nước pháp quyền. Công tác quản lý KH&CN đã gắn với quản lý kinh tế - xã hội, chú trọng hơn tới tính hiệu quả, hướng tới doanh nghiệp và thị trường, cổ súy cho văn hóa đổi mới sáng tạo trong xã hội; đã có bước chuyển tích cực trong việc huy động mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động KH&CN; khẳng định được vai trò của KH&CN trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thế đi lên vững chắc cho đất nước.
Trong những năm gần đây, tư duy quản lý KH&CN được đổi mới ngày càng mạnh mẽ, phù hợp với các xu hướng quốc tế tiến bộ đã dẫn tới các thay đổi mang tính bước ngoặt trong đời sống KH&CN nước nhà. Với vai trò tiên phong của Bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo dựa trên ý tưởng công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới trở thành một xu hướng tiến bộ, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là người trẻ ở Việt Nam, tác động tích cực làm thay đổi nhận thức, văn hóa về đổi mới sáng tạo trong xã hội. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực mới cần chú trọng thúc đẩy, chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo được bổ sung cho Bộ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia hình thành và phát triển sôi động.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tinh thần Khoa học mở là xu hướng toàn cầu được Bộ KH&CN sớm tham mưu để Chính phủ có đối sách kịp thời. Doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thành lập quỹ phát triển KH&CN; tăng cường đối tác công - tư, hỗ trợ doanh nghiệp chủ trì nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn); đưa KH&CN gắn kết hơn với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị mang thương hiệu Việt.
Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của tổ chức KH&CN
Việc quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới theo hướng mạnh dạn chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ và hình thành doanh nghiệp KH&CN; cho phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh KH&CN nước ngoài, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu; khuyến khích doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển.
Giải pháp đổi mới mang tính đột phá trong cải tổ hệ thống các tổ chức KH&CN Việt Nam được khởi xướng từ năm 2005, đó là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập (theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP) và hình thành lực lượng doanh nghiệp KH&CN (theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP). Giải pháp này cho phép giải phóng tối đa năng lực nghiên cứu, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, đặt họ trước những cơ hội và thách thức mới, gắn hoạt động của tổ chức KH&CN với thị trường, xoá bỏ tư tưởng bao cấp trong KH&CN, từ đó tạo thêm động lực, môi trường thuận lợi để có thể tự do sáng tạo, nâng cao trình độ và năng lực công nghệ, nâng cao tiềm lực và hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Bản chất của việc hình thành doanh nghiệp KH&CN chính là hình thành một lực lượng sản xuất mới tiên tiến, trong đó, tập trung đưa hầu hết các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ mới cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá quá trình thương mại hoá sản phẩm công nghệ, tạo cơ hội hình thành và phát triển các ngành nghề trình độ cao. Bên cạnh đó, với việc cho phép các tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, được cấp đăng ký kinh doanh, được chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN, giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, được góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ và hưởng lợi nhuận trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm KH&CN của mình. Đây là một tư duy đổi mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm, được cộng đồng khoa học và doanh nghiệp trong nước đánh giá cao. Giai đoạn trước năm 2010, nhiều đơn vị đã phát triển rất mạnh theo mô hình tự chủ và chuyển đổi thành công như: BKIS, BKMech, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Viện Nghiên cứu mỏ và luyện kim, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Công ty Cổ phần sơn Hải Phòng, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Đến nay, đã có gần 400 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ KH&CN về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.
Quan tâm phát triển tiềm lực KH&CN là một trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&CN. Bên cạnh việc cố gắng đảm bảo phương tiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ khoa học, Bộ đã quan tâm đầu tư đồng bộ cho hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nguồn lực thông tin và tài chính cho KH&CN.
Về các tổ chức KH&CN, sáu thập kỷ trước, cả miền Bắc chỉ có 8 viện nghiên cứu, 6 trường đại học, một số trường trung học chuyên nghiệp, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có trên 2.100 tổ chức ngoài công lập. Những năm gần đây, một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư, được đầu tư xứng tầm và trao cơ chế đặc thù nhằm tạo ra các kết quả KH&CN đột phá, như Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), Viện R&D Viettel, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech.
Về hạ tầng KH&CN, có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm đã được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để đi đầu trong các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. Trang thiết bị nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán và y học được tăng cường. Hạ tầng thông tin KH&CN có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng rộng rãi mạng Internet, các mạng tiên tiến, công nghệ số và thư viện điện tử. Đề án Tri thức Việt số hóa được chính thức khởi động. Đến nay, cả nước có 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung; riêng 3 khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD.
Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Nhà nước đảm bảo chi 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN. Tỷ trọng chi cho KH&CN tính trên GDP đã liên tục tăng ấn tượng từ mức 0,19% năm 2011 lên 0,44% năm 2015 và 0,52% năm 2017, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ lớn. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực (52/48) so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.
Nguồn nhân lực KH&CN, sau 60 năm hình thành và phát triển, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có năng lực, được đào tạo bài bản, tâm huyết với đất nước. Đến nay, cả nước có gần 67.000 cán bộ khoa học làm việc toàn thời gian (đạt 7 người/vạn dân), trong đó 39% làm việc trong các tổ chức R&D, 26% ở khu vực đại học và 24% ở các doanh nghiệp. Đã hình thành chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN, đặc biệt với các nhóm tiềm năng: nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng.
Chất lượng và năng lực đội ngũ cán bộ khoa học của nước ta ngày càng cải thiện. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26% mỗi năm, đặc biệt tăng cao trong các lĩnh vực toán học, vật lý và đây cũng là hai lĩnh vực Việt Nam luôn đứng ở top đầu các nước ASEAN. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam tăng gấp 5 lần, từ 1.764 bài công bố năm 2009, lên đến 8.234 năm 2018. Nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế.
Với tiềm lực tiến bộ và môi trường hoạt động KH&CN ngày càng thuận lợi, trong mấy năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng vượt bậc: năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.
Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ
Với tư duy coi doanh nghiệp là đối tác chiến lược và trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, trong từng thời kỳ phát triển, Bộ KH&CN đã áp dụng các đối sách linh hoạt, phù hợp với loại hình và quy mô doanh nghiệp khác nhau.
Ngay từ trước năm 2000, Bộ đã quan tâm hỗ trợ các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ, giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, trong hai thập kỷ gần đây, Bộ đã hỗ trợ để triển khai thành công các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các dự án kinh tế - kỹ thuật lớn như: cơ khí đóng tàu, chế tạo các tổ hợp phát điện, truyền dẫn điện (Nhiệt điện Quảng Ninh, Phả Lại, Thủy điện Sơn La, hỗ trợ thăm dò khai thác dầu khí, chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng theo công nghệ lò quay, sản xuất vắc xin, tạo giống và nuôi thương phẩm các loài thủy sản giá trị cao... Các dự án này ước tính mang lại lợi ích và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu USD mỗi năm. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được triển khai trên 50 lĩnh vực công nghệ, theo hình thức doanh nghiệp chủ trì có hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học để đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới, đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và ngành kinh tế.
Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển với số lượng và giá trị giao dịch công nghệ tăng mạnh. Cơ chế pháp lý để thị trường công nghệ vận hành hiệu quả được hoàn thiện. Từ năm 2003 đến nay, các Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) quốc tế, quốc gia, liên vùng và địa phương đã được tổ chức định kỳ, trở thành cầu nối quan trọng về công nghệ và giải pháp kỹ thuật cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Bộ KH&CN cũng đã chỉ đạo triển khai các phương thức mới trong kết nối cung cầu công nghệ, trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ và chuyên gia công nghệ; phát triển các sàn giao dịch điện tử và trên nền tảng kỹ thuật số; tăng cường giới thiệu về các công nghệ thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, công nghệ chuỗi khối.
Đến nay, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở 63 tỉnh, thành phố cũng được đầu tư nâng cấp. Việc kết nối mạng lưới cung - cầu công nghệ trong nước với khu vực và thế giới được tăng cường. Thị trường công nghệ với các giải pháp kích cung cầu và thúc đẩy hệ thống trung gian (môi giới, tư vấn, xúc tiến đầu tư, sàn giao dịch công nghệ thực và ảo, trung tâm giao dịch công nghệ thử nghiệm) đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và đưa nhanh kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy làn sóng đổi mới công nghệ ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp hơn ở các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Quản lý hoạt động đánh giá, thẩm định, giám định và chuyển giao công nghệ
Chỉ trong 5 năm (1996-2000), Bộ KH&CN đã tổ chức thẩm định công nghệ cho 1.073 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 632 dự án đầu tư nước ngoài và 441 dự án đầu tư trong nước, phê duyệt 127 hợp đồng chuyển giao công nghệ và xem xét, xác nhận hàng chục dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới được hưởng chế độ khuyến khích đầu tư và ưu đãi đặc biệt. Trong 15 năm gần đây, Bộ đã tổ chức thẩm định công nghệ trên 1.500 dự án đầu tư theo phân cấp; thẩm định, phê duyệt, đăng ký hơn 700 hợp đồng chuyển giao công nghệ và tham gia thẩm định nhiều quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.
Công tác thẩm định công nghệ của Bộ KH&CN đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đồng hành với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước trong hơn 30 năm qua, góp phần thu hút các dự án FDI, nâng cao hiệu quả tiếp nhận công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện trình độ công nghệ trong nước. Một số ngành đã sớm tiếp thu, làm chủ được công nghệ tiên tiến của thế giới như: bưu chính - viễn thông, ngân hàng, dầu khí, xây dựng, giao thông... Thiết bị công nghệ trong các doanh nghiệp FDI được đổi mới, nâng cấp, có trình độ tự động hóa cao, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng về máy tính, điện thoại thông minh, hàng điện tử gia dụng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhập thiết bị và công nghệ mới, thành lập bộ phận R&D để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ. Trong một số lĩnh vực, đã tự chủ sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng và từng bước xâm nhập thị trường thế giới.
Quản lý ứng dụng và phát triển công nghệ cao
Các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa đã được đưa vào hệ thống các chương trình trọng điểm cấp nhà nước và các chương trình kỹ thuật - kinh tế (theo Quyết định 54/1998/QĐ-TTg) nhằm tạo năng lực công nghệ đủ mạnh để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm chủ lực hoặc công nghệ làm nòng cốt cho sự nghiệp CNH, HĐH.
Trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn cầu, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg giúp Việt Nam tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Đến nay, cả nước có 4 khu công nghệ cao (trong đó có 3 khu công nghệ cao quốc gia) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài Khu công nghệ cao Đà Nẵng (thành lập năm 2010) và Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (2016, do địa phương đầu tư xây dựng), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (1998) và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (2002) đã trải qua một thời gian dài xây dựng và phát triển, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Hoạt động sở hữu trí tuệ:
Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong những thập kỷ qua có bước tiến tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, chủ động thích ứng với xu thế tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Việc tham gia đàm phán về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam, đặc biệt là WTO, CPTPP và EVFTA, đã góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của các chủ thể trong nước.
Từ những ngày đầu sơ khai của thập niên 80 với hành lang pháp lý là các điều lệ của Hội đồng Bộ trưởng về các đối tượng cơ bản nhất của quyền sở hữu công nghiệp (sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa), đến nay, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đã phát triển khá đầy đủ và đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các đối tượng mở rộng của quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng mới), phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009 và 2019), các văn bản dưới Luật và Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019) đã đặt các dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện và cải tổ hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia về phương diện nền tảng pháp luật và định hướng chiến lược. Hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời hiện đại không chỉ giới hạn ở các vấn đề truyền thống liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền, mà gắn liền với hoạt động đổi mới sáng tạo, hướng mạnh tới hoạt động hỗ trợ tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, nhằm gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ, từ đó khai thác hiệu quả giá trị kinh tế của loại tài sản đặc biệt này.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gury (tháng 3/2017).
Trong công tác xác lập quyền, việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hệ thống được tăng cường, đã giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn yêu cầu bảo hộ. Từ bước đầu là công tác quản lý sáng kiến trong những năm 70-80 của thế kỷ XX đã phát triển thành hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu Công nghiệp trở thành Cục Sở hữu trí tuệ. Đến hết năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận 1.139.832 đơn sở hữu công nghiệp (trong đó có 73.353 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, 43.190 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 514.180 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 79.731 đơn nhãn hiệu đăng ký theo Thỏa ước Madrid, 1.215 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam, 102 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, 74 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và 427.987 đơn sở hữu công nghiệp khác). Cục đã cấp 415.260 Văn bằng bảo hộ (trong đó có 22.345 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 27.762 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 312.285 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 52.744 Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế, 66 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý và 58 Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn). Ngoài ra còn phải kể đến gần 80.000 nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Thỏa ước Madrid.
Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng:
Từ những năm đầu thập kỷ 60, khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của nước ta đã ngày càng phát triển, với trên 11.500 TCVN, hơn 780 quy chuẩn kỹ thuật và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt 54%. Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều chương trình tiêu chuẩn hoá cấp nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về công tác tiêu chuẩn và chất lượng, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động đo lường được tăng cường đầu tư phát triển theo chiều sâu, với hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các phòng thử nghiệm tiên tiến đạt trình độ quốc tế, phục vụ kịp thời cho hoạt động nghiên cứu và kiểm định chất lượng hàng hóa. Hệ thống chuẩn đo lường được xác lập gồm 27 chuẩn quốc gia là cơ sở để kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế; hơn 5.000 chuẩn từ trung ương đến địa phương và một lượng lớn chuẩn đo lường đang được sử dụng trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã tự nghiên cứu sản xuất được các chuẩn đo lường: quả cân chuẩn, bình chuẩn dung tích, thiết bị kiểm định công tơ điện, nước, thiết bị kiểm định huyết áp kế, bàn tạo áp suất, tiết kiệm cho Nhà nước lượng ngoại tệ đáng kể do không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đã hình thành được hệ thống hàng chục phòng hiệu chuẩn, hàng trăm tổ chức kiểm định phương tiện đo trên cả nước, trong đó có Viện Đo lường Việt Nam; các Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3; các chi cục/phòng tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở 63 tỉnh/thành phố và các cơ sở được công nhận khả năng kiểm định.
Quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành năng lượng nguyên tử là sự ra đời Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình (năm 2006) và đặc biệt là Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã mở ra hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử và kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân của đất nước. Hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân cũng được chú trọng rà soát, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành năng lượng nguyên tử, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn thiện bộ số liệu các điểm có vật liệu hạt nhân số lượng nhỏ và đã đạt được thoả thuận với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về miễn trừ kiểm soát đối với vật liệu urani nghèo. Việc thành lập Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là một bước kiện toàn quan trọng bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc và ngài David Osborn - Giám đốc Hệ thống phòng thí nghiệm môi trường của IAEA tại Lễ ký kết thành lập Trung tâm hợp tác IAEA - VINATOM.
Nhờ hợp tác ngày càng chặt chẽ với IAEA, chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ rất quý báu của cộng đồng quốc tế trong xây dựng năng lực và tăng cường trang thiết bị về an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử, trong đó có Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nga và nhiều quốc gia tiên tiến khác. Đến nay, với sự tham mưu của Bộ KH&CN, Việt Nam đã ký kết và triển khai 12 điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Hoạt động kiểm soát hạt nhân của Việt Nam trong nhiều năm qua luôn được IAEA đánh giá rất cao.
Nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử như Chương trình 50-01 giai đoạn 1981-1985, Chương trình 50A, 50B và KC.09 giai đoạn 1991-1995 và 1996-2000, Chương trình KC.05 giai đoạn 2011-2015, Đề án Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020, Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020… đã được Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện. Các nghiên cứu về vấn đề công nghệ, an toàn điện hạt nhân, nhiên vật liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước ta trong các chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là các công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao hiệu suất thu hồi dầu trong khai thác dầu khí, nghiên cứu tạo đột biến các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, chiếu xạ tăng cường bảo quản các sản phẩm hải sản và một số loại trái cây phục vụ xuất khẩu...
Ngoài các lĩnh vực nêu trên, các nội dung như: hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN, thông tin KH&CN, công tác quản lý KH&CN địa phương, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đều đạt nhiều thành tích xuất sắc, góp phần chung khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN trong đời sống kinh tế - xã hội trên chặng đường sáu thập kỷ qua; khẳng định sự đầu tư đúng đắn của Đảng, Nhà nước dành cho KH&CN trong các giai đoạn phát triển của đất nước.
Thay lời kết
Với chặng đường 60 năm đồng hành, phục vụ trực tiếp và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, KH&CN đã trưởng thành và không ngừng lớn mạnh cùng sự phát triển của đất nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta trân trọng và biết ơn các thế hệ nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của UBKHNN, UBKH&KTNN, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và hiện nay là Bộ KH&CN, đã viết lên những trang vàng truyền thống của KH&CN Việt Nam bằng những nỗ lực vượt qua gian khó, bằng tâm huyết, nhiệt thành vì mục tiêu xây dựng và phát triển nền KH&CN nước nhà. Đồng thời, hiện hữu trong mỗi bước phát triển của KH&CN Việt Nam, là những cống hiến thầm lặng, nỗ lực quên mình các thế hệ làm khoa học trong mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc và của các thế hệ nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp cho KH&CN nước nhà.
Đất nước đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, trong điều kiện mọi quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hơn lúc nào, vai trò và sứ mệnh của KH&CN ngày càng được khẳng định và thể hiện sinh động trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.
Tự hào và tiếp nối truyền thống 60 năm qua, KH&CN Việt Nam tiếp tục kiên trì định hướng đổi mới về phương thức quản lý, dịch chuyển về nội hàm KH&CN trong từng lĩnh vực để phục vụ thiết thực, hiệu quả hơn cho phát triển đất nước toàn diện và bền vững, xứng đáng với vai trò đã được Đảng và Nhà nước khẳng định là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 11 năm 2019




lên đầu trang