Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:48

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:48

Chính sách

Cập nhật lúc 15:29 ngày 03/08/2018

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, phát triển công nghiệp bền vững

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, cần tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.


“Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp công nghiệp…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng của khu vực công nghiệp là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%. Đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong 7 năm gần đây.

Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhưng theo dự báo của Tổng cục Thống kê, công nghiệp 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng chậm lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp nói riêng cũng như các ngành kinh tế nói chung. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng ấn tượng 13,02% trong 6 tháng đầu năm 2016. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), nếu không có sự thay đổi trong chiến lược, giá trị công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam khó có thể thay đổi.

“Samsung có kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng, nhưng đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào việc sản xuất ra những sản phẩm của Samsung chưa được bao nhiêu. Từ đó cho thấy, tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối sản xuất công nghiệp vẫn còn rất hạn chế, nên khâu này cần phải có tính toán kỹ lưỡng hơn. Chỉ khi nào năng lực của công nghiệp hỗ trợ được nâng cao, các doanh nghiệp mới hy vọng bắt vào được chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI”, ông Thắng cho biết.

Để phát triển công nghiệp bền vững, Việt Nam cần có sự thay đổi chiến lược. (Ảnh: Internet)

Mặc dù công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế nhưng các dự án công nghiệp lớn chưa có tính lan tỏa. Vì vậy, cần tăng cường liên kết gắn với nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp, để chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng, từ đó giúp công nghiệp nước ta phát triển và tăng trưởng bền vững hơn.


Minh Châu


lên đầu trang