Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:21

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:21

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 18:33 ngày 21/03/2020

Quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Cùng với sở hữu trí tuệ, hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế…    
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh vươn tầm toàn cầu, nên chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ giữ vai trò quan trọng tiên quyết. Điều này đòi hỏi hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng có biện pháp thích hợp, để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa
Đáp ứng điều đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế uy tín. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất theo TCVN có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, được thị trường thế giới chấp nhận.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến nay, có 13.000 TCVN đang có hiệu lực; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 56%; hơn 800 QCVN tập trung vào sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về đo lường góp phần tạo điều kiện cho DN nâng cao sức cạnh tranh; đáp ứng nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, năm 2019, đã cấp 206 giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 81 lượt đơn vị; phê duyệt 5.330 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước. Cùng với đó, đã cấp mới 5.361 mã DN, xác nhận 115 hồ sơ sử dụng mã nước ngoài và 27 hồ sơ ủy quyền sử dụng mã số mã vạch.
Bộ KH&CN cũng hướng dẫn các địa phương triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” và Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), thời gian qua, Vụ đã tích cực phối hợp các đơn vị triển khai xây dựng một số TCVN, QCVN phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành, công tác quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tính đến nay, số lượng TCVN ngành Công Thương khoảng 3.931 TCVN và khoảng 49 QCVN, góp phần quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch hỗ trợ DN phát triển.
Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, lợi ích của xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện còn hạn chế ở một số bộ phận DN. Do đó, thực tế triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thực tiễn quản lý, sản xuất còn gặp khó khăn trong việc giải thích, tuyên truyền. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có một số cơ chế, chính sách áp dụng các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật nhưng trong quá trình triển khai việc áp dụng hàng rào kỹ thuật này còn hạn chế và không có tác dụng bảo hộ đối với hàng hóa trong nước…
Thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đồng bộ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, cũng như xây dựng nhóm tiêu chuẩn quốc gia đối với nhóm sản phẩm mới, chủ lực của Việt Nam.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang