Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:53

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:53

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 10:12 ngày 26/05/2023

Phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến 2035

Xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia là một trong các mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây là cơ sở để đánh giá và đo lường sự phát triển của một quốc gia, đồng thời giúp cho việc quản lý và điều hành hiệu quả hơn. Thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn đo lường chuẩn mực, cũng như thu thập và phân tích thông tin đối với từng lĩnh vực, các cơ quan chức năng có thể đưa ra những chiến lược và quyết định phù hợp giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tăng cường phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Thực trạng hệ thống đo lường hiện nay
Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia ngày càng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng. Theo quy định của Pháp lệnh Đo lường ngày 06/10/1999, từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn 2004-2010 tại Quyết định số 165/2004/QĐ-TTg ngày 21/09/2004. Tiếp theo đó, Luật Đo lường được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011. Theo tinh thần của Luật Đo lường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013. Năm 2018, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật số 35/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó Điều số 16 sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Luật Đo lường, cụ thể thay đổi câu “quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia” thành “kế hoạch phát triển chuẩn quốc gia”.
Thời gian qua, kể từ khi Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2004 và tiếp đó là năm 2013, hạ tầng đo lường quốc gia Việt Nam đã phát triển đồng bộ, mạnh mẽ thông qua các dự án đầu tư phát triển theo từng giai đoạn và hàng loạt dự án tăng cường trang thiết bị hằng năm. Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ phát triển, duy trì, bảo quản, sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia cũng được chú trọng, với việc kết hợp đào tạo nâng cao trình độ với tuyển dụng, đào tạo mới đội ngũ cán bộ khoa học trong và ngoài nước đạt trình độ đại học và trên đại học, đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn.
Tính đến nay hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đã có 29/45 đại lượng đo thuộc Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/08/2013, bao gồm: 07 đại lượng cơ bản (khối lượng, độ dài, thời gian - tần số, cường độ dòng điện, nhiệt độ nhiệt động học, cường độ sáng, lượng chất). 22 đại lượng dẫn xuất: (góc phẳng, dung tích, lưu lượng thể tích chất lỏng, lưu lượng khối lượng chất lỏng, lưu lượng thể tích chất khí, vận tốc khí, lực, độ cứng, áp suất, khối lượng riêng chất lỏng, độ nhớt động học, điện áp một chiều, điện áp xoay chiều, điện trở một chiều, công suất điện tần số công nghiệp, năng lượng điện tần số công nghiệp, suy giảm tần số cao, mức áp suất âm thanh, rung động, độ chói, quang thông, phổ truyền qua). Các chuẩn quốc gia đã xây dựng và được phê duyệt trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta, cụ thể: các chuẩn đo lường quốc gia được thiết lập trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tham gia một cách hiệu quả thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA). Cho đến nay, chuẩn quốc gia của 6 lĩnh vực vực đo: độ dài, khối lượng, thời gian - tần số, nhiệt độ, áp suất và dung tích - lưu lượng đã được quốc tế thừa nhận tính tương đương và giấy chứng nhận kết quả các phép đo, hiệu chuẩn thuộc các lĩnh vực này của Viện Đo lường Việt Nam được chấp nhận trên toàn cầu. Đây là cơ sở kỹ thuật quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Các chuẩn quốc gia được thiết lập, phê duyệt và chấp nhận quốc tế đã làm thay đổi cơ bản năng lực đo lường của Việt Nam; nâng cao một cách rõ rệt vị thế của đo lường Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài việc đảm bảo dẫn xuất chuẩn trong nước, Việt Nam đã khẳng định năng lực thực hiện các phép đo mà từ trước vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài như: đo lường điện năng trong mua bán điện với Trung Quốc; đánh giá thiết bị TU, TI nhập khẩu trong ngành điện; đo đếm trong giao nhận dầu thô; đánh giá kỹ thuật trong sản xuất, chế tạo cần cẩu, tàu chở dầu... Đồng thời, cũng khẳng định năng lực tham gia hoạt động đo lường trong khu vực và quốc tế như: tham gia so sánh liên phòng quốc tế nhiều lĩnh vực đo; tham gia đấu thầu và thực hiện đo, hiệu chuẩn đo lường, cung cấp dịch vụ đo lường ở một số nước trong khu vực...
Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia về góc phẳng.
Các chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt cũng đã phát huy tốt vai trò là chuẩn gốc của quốc gia và bảo đảm tốt việc duy trì các đơn vị đo lường pháp định của Việt Nam.
Mục tiêu 2030 và định hướng 2035
Theo dự thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Đảm bảo tính ưu tiên về lĩnh vực phát triển: bên cạnh việc phát triển các chuẩn đo lường quốc gia thuộc 07 đại lượng cơ bản, Việt Nam cần xây dựng và phát triển các chuẩn đo lường quốc gia của các đơn vị dẫn xuất, đặc biệt các đơn vị dẫn xuất gắn liền với nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp áp dụng công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường và các đại lượng đã được đầu tư thiết bị đồng bộ trong giai đoạn trước.
Đảm bảo tính khoa học và công nghệ tiên tiến: yêu cầu cơ bản của chuẩn đo lường là khả năng duy trì, thể hiện đơn vị đại lượng lâu dài, ổn định với độ chính xác cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu này, trong quá trình đầu tư, cần lựa chọn trang thiết bị chuẩn đủ tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện duy trì bảo quản sử dụng tại Việt Nam, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới để đảm bảo tính liên kết của chuẩn tới hệ đo lường quốc tế.
Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường của chuẩn: đồng bộ giữa chuẩn được trang bị với thiết bị sao truyền, thiết bị phụ trợ, đảm bảo chuẩn được dẫn xuất đến chuẩn chính của các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường và chuẩn đang sử dụng trong các ngành kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đo lường trong quá trình đầu tư gắn liền với việc khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả hệ thống chuẩn đo lường quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý: chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tận dụng tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ hiện có. Đầu tư theo hướng nâng cấp, trang bị đồng bộ và hiện đại để chuẩn của các lĩnh vực đo đạt trình độ chuẩn đo lường quốc gia.
Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế - xã hội: ưu tiên phát triển những lĩnh vực chuẩn của các đơn vị đại lượng có nhu cầu bức thiết phục vụ quản lý nhà nước về đo lường và phát triển các ngành kinh tế trọng điểm. Chuẩn đo lường quốc gia có độ chính xác, phạm vi đo phù hợp hoặc tương đương với trình độ chuẩn của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... để đáp ứng mục tiêu hội nhập đo lường Việt Nam với đo lường thế giới.
Dự thảo Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 đặt ra  mục tiêu ở phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại, đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường, nhu cầu đo lường phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ duy trì, bảo quản và sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia.
Các mục tiêu cụ thể của kế hoạch là: đến năm 2030, đầu tư, nâng cấp, mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ của 10 chuẩn đo lường quốc gia và đầu tư phát triển, bổ sung mới 48 chuẩn đo lường đạt trình độ kỹ thuật đo lường để được phê duyệt là chuẩn đo lường quốc gia. Đến năm 2035, Việt Nam có 102 chuẩn của 54 đại lượng (07 đại lượng cơ bản, 47 đại lượng dẫn xuất) đạt trình độ kỹ thuật đo lường được phê duyệt là chuẩn đo lường quốc gia, đào tạo cán bộ kỹ thuật đảm bảo mỗi hệ thống chuẩn đo lường quốc gia có tối thiểu 02 người làm nhiệm vụ duy trì, bảo quản, sử dụng hệ thống chuẩn được tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các yêu cầu quy định về đo lường đối với chuẩn quốc gia.
Có thể nói, phát triển chuẩn đo lường quốc gia sẽ giúp xác định bài toán phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035, góp phần tạo cơ sở đánh giá độ hiệu quả và thực tiễn nhằm đưa ra các quyết định, chính sách phát triển mang tính chiến lược và đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội.
TS Ngô Thị Ngọc Hà
Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Nguồn: vjst.vn/
lên đầu trang