Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:56

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:56

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 16:34 ngày 19/04/2024

Công cụ cải tiến TWI - ‘đòn bẩy’ nâng cao năng suất lao động

Áp dụng các công cụ cải tiến được đánh giá là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp, người lao động nâng cao năng suất. Một trong những công cụ cải tiến nền tảng quan trọng và quen thuộc với doanh nghiệp phải kể đến đó là Mô hình nhóm huấn luyện TWI (Training Within Industry).
Tập trung đào tạo con người
Hiện nay, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, việc áp dụng các công cụ cải tiến được đánh giá là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp, người lao động nâng cao năng suất.
Công cụ TWI tập trung đầu tư vào con người, giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Một trong những công cụ cải tiến nền tảng quan trọng và quen thuộc với doanh nghiệp phải kể đến đó là Mô hình nhóm huấn luyện TWI (Training Within Industry). TWI là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kỹ năng thiết yếu cho các cấp Giám sát viên.
Nguyên tắc của TWI là phát triển một phương pháp đã chuẩn hóa, rồi đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này, những huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (Giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý các vấn đề cụ thể.
Hiểu đơn giản, TWI tập trung đầu tư vào con người, giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có nhằm đảm bảo sản lượng, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng, rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu chi phí và tạo môi trường làm việc hài hòa.
TWI gồm 3 chương trình huấn luyện chính: JIT (Job Instruction Training) - Kỹ năng chỉ dẫn việc; JMT (Job Methods Training) - Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc; JRT (Job Relations Training) - Kỹ năng quan hệ công việc. Cả 3 chương trình hầu như tập trung đào tạo cho nhóm đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp.
Nhận diện cơ hội áp dụng TWI
Công cụ cải tiến TWI là “đòn bẩy” nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, việc nhận diện cơ hội áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI khi doanh nghiệp gặp 4 vấn đề sau: vấn đề sản xuất, vấn đề chất lượng, vấn đề an toàn và vấn đề nhân sự.
Thứ nhất, đối với vấn đề sản xuất là khi doanh nghiệp xuất hiện tình trạng giao hàng chậm trễ do sai lỗi hay nhầm lẫn; giao nhầm sản phẩm cho khách hàng; nhân viên không đạt năng suất; sản phẩm bị trả lại; nhân viên vận hành không đáp ứng được sự thay đổi kỹ thuật, công nghệ; thiết bị hư hỏng nhiều...
Thứ hai, đối với vấn đề an toàn là khi nhân viên không biết quy định về an toàn; nhân viên không biết các mối nguy trong công việc; nhân viên trở nên bất cẩn; thương tích nhẹ không báo cáo; vật liệu không được sắp xếp ngăn nắp; máy móc thiết bị hư hỏng nhiều hơn...
Thứ ba, đối với vấn đề chất lượng là khi doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm; không theo yêu cầu kỹ thuật; quá nhiều phế phẩm hay làm lại; thiết bị không được sử dụng đúng cách; sản phẩm bị trả về hoặc phàn nàn...
Cuối cùng, đối với vấn đề nhân sự là khi nhân viên không thích thú với công việc của mình; nhân viên được chỉ dẫn sai cách, cảm thấy chán nản học việc; nhân viên muốn thuyên chuyển vì nghĩ rằng có triển vọng tốt hơn ở nơi khác; nhân viên thôi việc; các thủ tục nội bộ rườm rà...
Phần lớn các giám sát viên đều cho rằng 80% vấn đề nêu trên có thể được giải quyết nếu có lực lượng nhân sự được đào tạo tốt hơn, bởi vậy việc áp dụng TWI là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao năng suất lao động và hướng đến sự phát triển bền vững.
Nguồn: vietq.vn

lên đầu trang