Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:49

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:49

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:53 ngày 10/02/2020

Vielina: Thực hiện "sản xuất thông minh"

Nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa (Vielina) đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp hướng đến "sản xuất thông minh".
Ông Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Vielina - cho biết: Trong gần 35 năm hình thành và phát triển, Viện đã và đang chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH&PTCN), dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước, bộ, và các dự án quốc tế... Nhiều sản phẩm của viện đã được ứng dụng trong các cơ sở công nghiệp, tổ chức kinh tế. Đặc biệt, một số sản phẩm đã được đưa vào Danh mục hàng hóa sản xuất trong nước để ưu tiên sử dụng, thay thế nhập khẩu.
Điển hình như: Hệ thống điều khiển, giám sát tập trung trong khai thác hầm lò; thực hiện việc quản lý, giám sát điều hành các hoạt động của mỏ, từ phòng điều khiển trung tâm. Hệ thống này đã được ứng dụng tại Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Uông Bí và đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh mục hàng hóa sản xuất được trong nước.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Viện cũng đã cho ra đời nhiều sản phẩm tự động hóa, hệ thống tự động điều khiển định lượng được ứng dụng trong các nhà máy sản xuất phân bón NPK, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; hệ thống tự động hóa cho các nhà trồng thông minh, trang trại thông minh...
Ngoài ra, Viện còn chế tạo, cung cấp các phần mềm, hệ thống tự động hóa khác như: Hệ thống xử lý nước thải trong nhà máy nhiệt điện; giám sát khí thải cho nhà máy công nghiệp; phần mềm quản lý bệnh viện, thương mại điện tử... Các sản phẩm của viện đóng góp rất tốt vào quá trình sản xuất: Bảo đảm an toàn lao động, tăng hiệu quả điều hành sản xuất (các sản phẩm cho mỏ than); tăng mức độ tự động hóa, tăng năng suất lao động (hệ thống định lượng, các phần mềm, hệ thống tự động hóa...).
Hiện nay, tỷ lệ các sản phẩm tự động hóa Made in Vietnam còn rất thấp, chủ yếu là sản phẩm nhập ngoại. Để sản phẩm tự động hóa của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng nhiều và ứng dụng trong cuộc sống, đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể. Ông Nguyễn Thế Truyền cho rằng, các tổ chức nghiên cứu khoa học cần chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu và năng lực chuyển giao công nghệ đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Nhanh chóng tiếp cận, làm chủ và phát triển các công nghệ nền, công nghệ lõi trong lĩnh vực tự động hóa cũng như thiết kế, chế tạo sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế để có thể tích hợp, lắp lẫn với các hệ thống đã có ở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà nước cần mạnh dạn giao cho các tổ chức KH&CN, nhà khoa học trong nước thực hiện công trình trọng điểm để đào tạo, xây dựng đội ngũ KHCN chất lượng cao, có khả năng gánh vác trọng trách “là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước".
Thời gian tới, Vielina sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu các công nghệ nền, công nghệ lõi trong lĩnh vực tự động hóa. Đặc biệt, đi thẳng vào công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (IoT, AI. Big data...); tiến tớí xây dựng hệ thống tự dộng hóa hiện đại cho các nhà máy, dây chuyền sản xuất theo xu hướng công nghệ 4.0. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Viện, đáp ứng yêu cầu và thách thức của thực tiễn. 
Vielina tiếp tục mở rộng thị trường, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp và các trường đại học để tạo liên kết phát triển bền vững. Qua đó, giúp các công trình của Viện gắn với thực tiễn, giải quyết những "bài toán" thực tế và để thương mại hóa. 
Bài đăng trên Báo Công Thương số 59
lên đầu trang