Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:03

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:03

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:57 ngày 30/11/2023

Giải pháp số hoá giúp doanh nghiệp cơ khí quản lý, bảo trì thiết bị và tiết kiệm năng lượng

Ngày 29/11/2023, trong khuôn khổ các hoạt động Sàn giao dịch Công nghệ năm 2023, Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM tổ chức hội thảo chủ đề: “Giải pháp số hóa giúp doanh nghiệp cơ khí quản lý, bảo trì thiết bị và tiết kiệm năng lượng” trong đó Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM là đơn vị thực hiện. 
Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; đại diện các Sở, Ban ngành; các thầy cô đến từ các trường đại học; các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế tạo máy, ngành nhựa trên toàn quốc.
Tại Hội thảo, các báo cáo viên đến từ các doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu đã trình bày các nội dung xoay quanh các xu hướng bảo trì 4.0 nhằm gia tăng hiệu quả bảo trì, cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, giới thiệu giải pháp số hoá bảo trì “made in Viet Nam” giúp cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị toàn bộ, cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm năng lượng.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế tạo máy, ngành nhựa trên toàn quốc (Ảnh: Cesti)
Theo báo cáo năm 2022 của Công ty Senseye của tập đoàn Siemens, thời gian ngừng máy ngoài kế hoạch hiện khiến các công ty Fortune Global 500 (500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số) mất 11% doanh thu hàng năm của họ – gần 1,5 nghìn tỷ USD; chi phí ngừng máy hàng năm hiện là 129 triệu USD tại mỗi cơ sở, tăng 65% trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Senseye trong năm 2019-2020.
Do đó, giải pháp đưa ra là cần sử dụng các sản phẩm có khả năng giảm chi phí bảo trì thông qua việc giảm chi phí thời gian ngừng máy; giảm số lần ngừng máy do hư hỏng; giảm thời gian ngừng máy; giảm chi phí sản xuất; tăng năng suất, doanh thu và lợi nhuận,...
Giải pháp này đã được Công ty TNHH phần mềm Nam Việt (Vietsoft) nghiên cứu để chế tạo ra các sản phẩm “made in Viet Nam” có khả năng quản lý các thiết bị công nghiệp phức tạp, quản lý đến từng bộ phận, phụ tùng, giúp giảm hư hỏng đột xuất bằng cách áp dụng Bảo trì phòng ngừa.  Hơn thế, nó đặt nền tảng số cho một hệ thống quản lý bảo trì hiệu quả. Bảo trì dự đoán (Predictive Maintenance) hay Bảo trì dựa trên mức tiêu thụ năng lượng (Energy-Consumption based Maintenance) đều phải dựa trên nền tảng CMMS.
TS Nguyễn Minh Hà - Công ty TNHH phần mềm Nam Việt trình báo cáo tại Hội thảo (Ảnh chụp màn hình)
Giải pháp bao gồm 3 phần mềm, trong đó, phần mềm quản lý thiết bị và bảo trì (Vietsoft Ecomaint) có vai trò quản lý bảo trì, giảm thiểu hư hỏng đột xuất, giảm chi phí điện năng, chi phí nguyên vật liệu… Số hóa toàn bộ thông tin thiết bị, gia tăng hiệu quả thiết bị tổng thể (OEE - Overall Equipment Effectiveness), giúp gia tăng lợi nhuận.
Thứ hai là hệ thống giám sát hoạt động của động cơ (MTW), hệ thống giúp phân tích hiệu quả sử dụng máy dựa trên thời gian chạy có tải và không tải, giúp doanh nghiệp tối đa hóa thời gian máy tạo ra giá trị, gia tăng lợi nhuận; Theo dõi liên tục tình trạng của động cơ, cảnh báo nóng các bất thường; Báo cáo kiểm toán năng lượng theo thời gian thực và phân tích các lãng phí.
Thứ ba, hệ thống quản lý và điều hành sản xuất (ANDON và MES Smart Track): có tác dụng giảm thời gian dừng máy do chờ giải quyết các sự cố; Thu thập và thống kê dữ liệu tiến độ sản xuất theo đơn hàng, số lượng, tránh sản xuất thừa, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đáp ứng thời gian giao hàng; Hiển thị tình trạng máy và chỉ số hiệu quả thiết bị tổng thể (OEE) theo thời gian thực.
Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Hà - Công ty TNHH phần mềm Nam Việt đã trình bày một số điển hình về xu hướng bảo trì thiết bị trong bối cảnh Công nghiệp 4.0. Một số xu hướng chính hiện nay bao gồm: Internet vạn vật công nghiệp; bảo trì dự đoán; khoa học phân tích bảo trì; các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường; robot bảo trì; bản sao số; in 3D; bảo trì như một dịch vụ; giao diện người - máy; bảo trì xanh;...
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Cesti)
Các xu hướng trên cho phép phân tích lượng lớn dữ liệu theo thời gian thực, giúp xác định các mô hình và xu hướng có thể được sử dụng để dự đoán khi nào thiết bị có khả năng bị hư hỏng. Điều này cho phép bảo trì chính xác và kịp thời hơn, cải thiện độ tin cậy tổng thể và giảm thời gian ngừng máy. Những kỹ thuật không xâm lấn này và cho phép thử nghiệm thiết bị chính xác và tiết kiệm chi phí. Việc kết hợp nhiều phương pháp giúp xác định chính xác nguồn suy thoái và cải thiện độ tin cậy của thiết bị.
Trong những năm tới, tiến bộ công nghệ và tính sẵn có của dữ liệu sẽ thúc đẩy những thay đổi trong hoạt động bảo trì dự đoán. Các xu hướng chính bao gồm sử dụng AI và học máy, tích hợp IoT, điện toán đám mây, công nghệ kiểm tra và bảo trì dự đoán dưới dạng dịch vụ. Bằng cách tận dụng những công nghệ và dữ liệu này, doanh nghiệp có thể đón đầu các vấn đề hư hỏng tiềm ẩn và giữ cho thiết bị hoạt động ổn định, trơn tru.
Số hóa doanh nghiệp (digital transformation) là quá trình cải tiến và chuyển đổi hoạt động kinh doanh truyền thống sang sử dụng công nghệ số. Mục tiêu tăng năng suất, cắt giảm chi phí sản xuất thông qua việc loại bỏ tối đa lãng phí, giảm thời gian ngừng máy, giảm lượng tồn kho, tăng tuổi thọ máy, giảm chi phí bảo trì.
Tố Uyên


lên đầu trang