Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 08/09/2024 | 06:22

Chủ nhật, 08/09/2024 | 06:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:08 ngày 26/07/2024

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống

Số lượng bằng sáng chế và các giải pháp hữu ích tăng mạnh; nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe được nghiên cứu, phát triển; chế tạo thành công vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam… Đó là kết quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố. Các thành tựu ứng dụng KHCN đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống người dân.
53 bằng độc quyền sáng chế và các giải pháp hữu ích
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện) đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điển hình như: hoàn thành trên 90% khối lượng các công việc cần thực hiện của Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từ nguồn vốn đối ứng; đã và đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”; vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ứng dụng hệ thống giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS) bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...
Đặc biệt, đến ngày 16.5.2024, Viện đã được cấp 53 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 21 sáng chế, 32 giải pháp hữu ích, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học, môi trường, hóa học các hợp chất thiên nhiên… Các đề tài liên quan bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ phát triển công nghệ; các dự án sản xuất thử nghiệm đã góp phần đem lại số lượng các tài sản sở hữu trí tuệ của Viện tăng mạnh trong thời gian qua.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam họp báo công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đào Cảnh 
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ một số kết quả nhiệm vụ KHCN nổi bật 6 tháng đầu năm có thể kể đến, như: Nghiên cứu, chế tạo thành công Hệ thống chuẩn phục vụ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị đo bụi trong môi trường không khí” (ManDust) với công nghệ mới và sáng tạo là một sản phẩm đột phá trong lĩnh vực môi trường; chế tạo thành công mô hình thiết bị phản ứng hiệu năng cao dạng quay HP2R cho quy trình stripping nước thải có nồng độ ô nhiễm cao; xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển; làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu nano vô cơ và phụ gia ứng dụng trong công nghệ lớp phủ tiên tiến; xây dựng nền địa hóa đa mục tiêu quốc gia cho 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm KHCN chăm sóc sức khỏe cũng được nghiên cứu, phát triển, như: xây dựng thành công quy trình công nghệ và bào chế thành công sản phẩm viên nén Lan Kim Tuyến và viên nén Sâm Đá hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư; tổng hợp thành công SPION/HAp - vật liệu lai siêu thuận từ có khả năng diệt tế bào ung thư bàng quang, mở ra hướng nghiên cứu triển vọng, ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y sinh; chế tạo thành công Kit ELISA định lượng kháng nguyên ung thư CA125 chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng; làm chủ công nghệ chế tạo màng TiN trên nền hợp kim titan, định hướng ứng dụng trong ngành chấn thương chỉnh hình…
Nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KHCN
Chia sẻ thêm về một số thành tựu KHCN ấn tượng trong những tháng đầu năm, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Lê Xuân Huy cho biết: LOTUSat-1- vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào đầu năm 2025. Đây là vệ tinh quan sát Trái đất, có khối lượng khoảng 570kg, có khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp (SAR). Dữ liệu ảnh của vệ tinh sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn ảnh, cung cấp thông tin chính xác, nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường. Do vệ tinh có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết nên phù hợp với quốc gia có điều kiện khí tượng nhiều mây và sương mù như Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam kỳ vọng, dữ liệu từ vệ tinh này có thể đóng góp nhiều cho Việt Nam.
Cùng với đó, thực hiện Dự án ODA “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao” ngày 29.3.2024, các nhà khoa học tại Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích và Viện Công nghệ sinh học triển khai các nghiên cứu tối ưu hóa công nghệ tách triết ADN nhân từ mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Đây sẽ là bước đột phá lớn trong công nghệ nhận dạng DNA của con người. Liên quan đến việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đại diện Viện Vật lý Địa cầu cho biết, cần làm lại bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước. Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất nhằm xác định các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vào bản đồ này, có thể biết được thời điểm động đất lặp lại trong 1.000 năm, 500 năm và 20 năm. Hay, nói cách khác, các nhà khoa học có thể dự báo được động đất tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, từ nay đến cuối năm, Viện sẽ tập trung nâng cao chất lượng các công bố quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao.
Nguồn: daibieunhandan.vn

lên đầu trang