Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:38

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:38

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:22 ngày 21/12/2023

CPCETC đẩy mạnh công tác sáng kiến nghiên cứu khoa học công nghệ

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 và thị trường dịch vụ thí nghiệm điện trong nước cạnh tranh khốc liệt, vai trò của sáng kiến nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trở thành nhân tố then chốt đối với sự phát triển.  
Nắm bắt và nhận diện được vai trò đó, trong hai năm qua, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung (CPCETC) đã có nhiều hoạt động, phong trào đẩy mạnh công tác sáng kiến nghiên cứu KHCN. Năm 2022 có 9 giải pháp/sáng kiến (GP/SK) được công nhận tăng 150% so với năm 2021; Năm 2023 có 36 GP/SK được công nhận tăng 400% so với cùng kỳ năm 2022 và 02 Đề tài KHCN được nghiệm thu đưa vào sử dụng. 
Tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đóng cắt mô phỏng lưới điện phân phối phục vụ thử nghiệm chức năng DMS/DAS”.
Nội dung các GP/SK đa dạng, trong đó có nhiều sáng kiến thể hiện sự sáng tạo và trí tuệ của CBCNV trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý và tác nghiệp,…góp phần cải tiến công tác thí nghiệm, kiểm định hiệu chỉnh nhằm phát hiện các khiếm khuyết, lỗi thiết bị, hỗ trợ tư vấn khách hàng sửa chữa bảo dưỡng kịp thời để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện; nâng cao dịch vụ, cải thiện môi trường làm việc. Đặc biệt, có những sáng kiến được xây dựng công phu trên nền tảng công nghệ số, đòi hỏi tác giả phải dày công đầu tư trí tuệ và thời gian để hoàn thiện sản phẩm, góp phần hiện đại hóa công tác thí nghiệm kiểm định, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. 
Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Ngà- Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật sản xuất, chủ tịch Hội đồng sáng kiến, khoa học công nghệ CPCETC.
PV: Thưa ông! Xin ông cho biết việc đẩy mạnh trong công tác sáng kiến, khoa học công nghệ tại đơn vị?
Ông Nguyễn Văn Ngà: Hiện nay, với khoa học công nghệ ngày càng phát triển, công nghệ chế tạo thiết bị điện và kỹ thuật thí nghiệm, bảo dưỡng thiết bị có nhiều thay đổi như: Bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng vận hành CBM (CBM là việc áp dụng các công nghệ chẩn đoán, thử nghiệm thiết bị tiên tiến để đưa ra giá trị chỉ số sức khỏe của thiết bị, từ đó đưa ra quyết định sửa chữa và thời điểm thực hiện một cách phù hợp); Bảo dưỡng theo độ tin cậy RCM (RCM là phương pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị của hệ thống điện dựa trên tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của thiết bị khi xảy ra hư hỏng hoặc sự cố, từ đó xác định chiến lược sửa chữa bảo dưỡng phù hợp nhất cho các thiết bị (thay thế, bảo dưỡng một phần hay toàn phần…),…. Cùng với đó, trên thị trường cung cấp dịch vụ thí nghiệm, kiểm định hiệu chuẩn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Yêu cầu của khách hàng về chất lượng và thời gian cung cấp dịch vụ ngày càng cao. Đứng trước khó khăn thách thức đó, CPCETC cần có sự thay đổi trong công tác quản lý, kỹ thuật thí nghiệm, tác nghiệp và cung cấp những sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng. Vì vậy, công tác sáng kiến NCKH cần được đẩy mạnh.
Đề tài nghiên cứu khoa học được báo cáo tại buổi nghiệm thu.
PV: Thưa ông! Để đẩy mạnh công tác sáng kiến khoa học công nghệ trong thời gian qua, CPCETC đã triển khai thực hiện những công việc cụ thể nào?
Ông Nguyễn Văn Ngà: Trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm 5 năm (2017-2021) thực hiện GP/SK NCKH, cử cán bộ đi học tập tại các đơn vị bạn như PC Đà Nẵng, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (EMEC); mời cán bộ Ban khoa học công nghệ và Môi trường EVN hỗ trợ hướng dẫn, phổ biến các quy định về công tác GP/SK, NCKH đến tất cả CBCNV Ban hành quy định về xét công nhận GP/SK; Ban hành hướng dẫn trình tự thủ tục các bước thực hiện Đề tài NCKH.  
Hưởng ứng phong trào “10 nghìn sáng kiến” trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công Đoàn EVNCPC phát động, CPCETC đã phát động đến toàn thể CBCNV tham gia. Đồng thời giao bộ phận thường trực Hội đồng sáng kiến khoa học công nghệ Công ty phối hợp cùng các cấp Công đoàn đã triển khai hỗ trợ sáng kiến trong mỗi đơn vị để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ CBCNV hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến; hướng dẫn người lao động viết báo cáo sáng kiến; đề xuất hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.
Chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi, do đó trong các năm qua chúng tôi luôn khuyến khích các SK/GP phục vụ cho công tác chuyển đổi số và áp dụng vào công tác điều hành sản xuất tại đơn vị
PV: Thưa ông, với kết quả ban đầu đạt được cho thấy phong trào sáng kiến nghiên cứu KHCN có nhiều chuyển biến. Ông cho biết thêm kế hoạch thực hiện trong thời gian tới như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Ngà: Trong thời gian tới, Công ty tổ chức tổng kết đánh giá kết quả 02 năm thực hiện (2022-2023), phân tích những mặt đã làm được, chưa được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc (nếu có) để kịp thời tháo gỡ và có hỗ trợ tốt hơn nữa cho CBCNV trong việc triển khai thực hiện hóa từ ý tưởng đến sản phẩm của sáng kiến, đề tài NCKH. Tiếp tục phối hợp với Công đoàn phát động phong trào thi đua trong công tác sáng kiến NCKH, tạo điều kiện tốt nhất để CBCNV phát huy tính sáng tạo trong lao động, sản xuất. Tuyên dương khen thưởng thích đáng cho CBCNV có những GP/SK, Đề tài mang lại lợi ích lớn cho Công ty. Tiếp tục đào tạo cán bộ làm công tác sáng kiến KHCN tham gia học tập tại các đơn vị bạn về công tác này cũng như phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện các Đề tài nghiên cứu KHCN có tính ứng dụng trong toàn ngành và mang lại hiệu quả thiết thực nhất, áp dụng chuyển đổi số vào công tác nộp đơn, xét duyệt và công nhận SK/GP.
PV: Trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: Trang tiên điện tử ngành điện
lên đầu trang