Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:12

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:21 ngày 01/03/2024

Bài 3: Tiếp sức đầu tư, làm chủ công nghệ cao

Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao còn gặp một số rào cản cần sớm tháo gỡ nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động này trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cần thêm các "đòn bẩy"
Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ). Đến nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó có các công nghệ cao, hiện đại.
Các công nghệ hiện đại đã được ứng dụng sâu rộng hơn trong các hoạt động sản xuất
TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, chi phí cho nhập khẩu công nghệ thường rất cao, trong khi đó nguồn lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp là có hạn, không đủ tiền và không đủ nguồn lực để nhập khẩu công nghệ.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy nhà nước cần có những can thiệp chính sách một cách toàn diện, đủ mạnh, trong đó các chính sách tạo thuận lợi để doanh nghiệp được tiếp cận về tài chính, tín dụng và các ưu đãi về thuế được xem là đòn bẩy quan trọng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của doanh nghiệp.
Vì vậy, cần có chính sách cho doanh nghiệp vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện các hoạt động cải tiến công nghệ. Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn một cách hệ thống, chi tiết để doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng và thuế.
TS. Phạm Đức Nghiệm cũng nêu vấn đề, Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật Đầu tư 2014 và Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao thì một trong những tiêu chí để xác doanh nghiệp công nghệ cao là doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.
Điều này là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp khó khăn trong đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính có hạn, vậy làm gì đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao để đạt được tỷ lệ doanh thu này.
Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho hay, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ…
Vấn đề tiếp cận vốn tín dụng là khó khăn hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua. Dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng rất ít, cùng với đó, lãi suất hiện nay cần phải cải thiện hơn nữa. Bản thân công nghiệp là một ngành quan trọng, song cũng đòi hỏi số vốn lớn, khả năng thu hồi vốn lại chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nên nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Theo tôi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi hiệu quả hơn. Mặc dù, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp được ban hành, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp" - ông Lê Văn Hiệp nhấn mạnh.
Về câu chuyện nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho rằng, hiện nay nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước đã có thể nghiên cứu và làm chủ được nhiều thiết bị công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại.
Chẳng hạn, NARIME đã thiết kế, cung cấp hệ thống điều khiển cùng phần mềm ứng dụng tại các hệ thống cung cấp than, thải tro xỉ, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam như Vũng Áng 2, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2 (điều mà trước đây chỉ nhà thầu nước ngoài mới thực hiện được).
Đồng thời, nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số…
"Tuy nhiên, điều chúng tôi mong mỏi là cần có chính sách tạo thị trường cho đơn vị nghiên cứu trong nước, khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghệ được tạo ra tại Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu trong nước thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong bày tỏ.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, việc quy định các đề tài khi đăng ký thực hiện phải có cam kết ứng dụng từ một nhà đầu tư khi sản phẩm hoàn thành là rất máy móc. Vì thực tế khi các đơn vị làm nghiên cứu có thể thất bại hoặc thành công. Như vậy, tạo rủi ro cho các nhà đầu tư khi cam kết sẽ sử dụng sản phẩm.
Mặt khác, việc cam kết sử dụng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc sẽ vi phạm Luật đấu thầu vì như vậy là đã chỉ định thầu để thực hiện công việc. "Vì vậy, đề nghị nên bỏ quy định phải có cam kết địa chỉ ứng dụng khi đăng ký đề tài mà quy định trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ chỉ nghiệm thu đề tài khi đã được ứng dụng tại một địa chỉ cụ thể đáp ứng yêu cầu đề ra" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đề xuất.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các khu công nghệ cao đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế; việc thu hút đầu tư từ khối tư nhân còn nhiều khó khăn; việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh, thiếu những cơ chế đặc thù mang tính đột phá về thuế thu nhập cá nhân (chưa có các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao), thủ tục đầu tư, đất đai…
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Mặc dù Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro (như bảo hiểm nông nghiệp). Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thủ tục vay vốn, vay tín chấp, vay có tài sản thế chấp.
Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới ở giai đoạn đầu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì không có nguồn vốn, đang chờ ngân sách nhà nước. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng hầu hết mới chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng, khu vực.
Tập trung hoàn thiện các chính sách
Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như làm chủ công nghệ cao. Một trong những khó khăn đó là về nguồn vốn, bởi công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi các doanh nghiệp của chúng ta quy mô nhỏ.
Cần thêm các chính sách hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư công nghệ cao
Với góc độ của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ không có các chính sách cụ thể liên quan tới sự hỗ trợ trực tiếp về nguồn vốn, nhưng với vai trò là một cơ quan chức năng phụ trách về khoa học và công nghệ, trong đó, có công nghệ cao, thời gian qua, cũng như hiện nay và tới đây, Bộ đang tập trung hoàn thiện các chính sách thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao.
Việc phát triển công nghệ cao sẽ tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, phù hợp với từng giai đoạn. Bộ cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan đến tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao.
Mặt khác, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiêm vụ khoa học và công nghệ các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghê, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung…
Sự có mặt của các "đại bàng" công nghệ cao sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó hình thành và mở rộng hệ sinh thái công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa. Điều này đã được chứng thực từ các "trường hợp điển hình" như Samsung, LG, Canon… Nói cách khác, việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng.
Tuy nhiên, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao nội địa.
TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Cần có ưu đãi nguồn vốn vay và thuế cho phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh hoặc công nghệ cao kết hợp công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển công nghệ lõi nội tại. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ cao và xanh. Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ sẽ tạo động lực nghiên cứu, phát triển và tái đầu tư.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang