Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 04:02

Thứ ba, 30/04/2024 | 04:02

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:32 ngày 15/04/2024

Bài 4: Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc

Để khoa học và công nghệ thực sự là động lực cho phát triển kinh tế, nhiều ý kiến nhận định, cần tiếp tục khơi thông những vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Khơi thông những điểm nghẽn
Với vai trò, sứ mệnh quan trọng, góp phần thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước, ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính độc lập, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, bảo đảm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phòng thí nghiệm Trung tâm Vi sinh vật công nghiệp, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương)
Theo đó, để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần những cơ chế, chính sách "đòn bẩy" cũng như khơi thông những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách.
Ông Trần Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp không quan tâm hoặc ngại tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Chúng tôi thường gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm các doanh nghiệp cùng triển khai các nhiệm vụ có tính ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm hay hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Thậm chí, một số doanh nghiệp đã tham gia rồi cũng xin dừng hoặc rút khỏi dự án. Có nhiều nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan của hoạt động doanh nghiệp, tuy nhiên, một nguyên nhân không nhỏ đến từ các quy định trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện nay.
Cụ thể, thời gian xem xét, phê duyệt kế hoạch cho đến khi triển khai thường kéo dài, đôi khi làm mất tính thời sự của vấn đề nghiên cứu: Thông thường để xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ cho năm tới (ví dụ như năm 2025), chúng tôi đã bắt đầu phải hướng dẫn từ bây giờ và sớm hơn; quá trình xây dựng, phê duyệt theo quy định phải kết thúc trước 30/6 hàng năm và gửi sang Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính.
"Giai đoạn từ 30/6 đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các Bộ để bảo vệ kế hoạch. Sau khi có số liệu thông báo về phân bổ ngân sách của Bộ thì đầu năm 2025, Bộ Công Thương mới ra Quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2025" - ông Minh nói.
Bên cạnh đó, quy trình và thủ tục để tham gia, thực hiện còn nặng về hành chính. Thiếu những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng, phê duyệt phương án tài chính. Về mặt thủ tục, để đưa một nhiệm vụ vào kế hoạch, quy trình phải trải qua 3 phiên họp. Dựa trên ý kiến đánh giá của các Hội đồng tư vấn về chuyên môn, Tổ thẩm định tài chính tính phù hợp của các đề xuất nghiên cứu, hồ sơ thuyết minh và dự toán kinh phí.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn: Thông tư 03/2023/TT-BTC, Thông tư 02/2023/TT-BKHCN… mặc dù đã giải quyết một số vướng mắc liên quan tới nội dung và định mức chi theo hướng phù hợp hơn với thực tế; tuy nhiên, vẫn còn một số điểm "khó" liên quan với việc xác định mức kinh phí đối với một nhiệm vụ cụ thể.
Ví dụ như, làm sao để xác định chính xác một nội dung kinh phí này là bao nhiêu ngày công và phải sử dụng các chức danh nghiên cứu nào. Đây là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng cũng như thẩm định kinh phí.
Mặt khác, thủ tục thanh quyết toán phức tạp - đây là vấn đề mà các nhà khoa học đã đề cập rất nhiều. Hồ sơ thanh quyết toán đôi khi còn nhiều, phức tạp và mệt mỏi hơn làm các nội dung chuyên môn. Về chính sách, chúng ta đã có quy định về việc khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, về cơ bản quy định này vẫn chưa thực hiện được trên thực tế.
Chưa kể, vướng mắc trong khâu xác định giá trị tài sản và xử lý lý tài sản hình thành từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là câu chuyện được nói đến rất nhiều, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án, hướng dẫn xử lý.
Ông Trần Minh cũng cho biết, quy định về phạm vi của hoạt động khoa học và công nghệ trong Luật Khoa học và Công nghệ đang bị bó hẹp, chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tiễn trong việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống kinh tế - xã hội.
Theo đó, sản phẩm cuối cùng của hoạt động khoa học và công nghệ trong phạm vi của điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đang dừng lại ở các công nghệ, sản phẩm ở dạng mẫu hoặc thử nghiệm, chưa thể thực hiện thương mại hóa. Điều này dẫn tới đầu tư cho khoa học và công nghệ trong thời gian qua chưa hướng tới việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại trên thị trường.
Ngoài ra, có sự chưa thống nhất, mâu thuẫn giữa chính sách, quy định về khoa học và công nghệ với các quy định có liên quan: như mâu thuẫn giữa quy định về quản lý, xử lý tài sản công với quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, mâu thuẫn với quy định về Luật Đấu thầu, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... điều này dẫn tới việc thực thi các chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ có mà không thực hiện được.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, quá trình đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ kéo dài, dẫn đến việc thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ mất tính thời sự, không còn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí mất tính khả thi do tiến độ các dự án áp dụng kết quả đề tài nhanh hơn tiến độ đề tài.
Do vậy, cần có cơ chế lập kế hoạch, đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn các đề tài nhanh, linh hoạt hơn để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của thực tiễn. Nên chăng, cần quy định thời hạn cụ thể (không quá 6 tháng) cho các cơ quan quản lý từ khi đăng ký đề tài đến khi hoàn thành ký hợp đồng để triển khai công việc.
Hiện nay nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước đã có thể nghiên cứu và làm chủ được nhiều thiết bị công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, điều mong mỏi là cần có chính sách tạo thị trường cho đơn vị nghiên cứu trong nước, khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghệ được tạo ra tại Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu trong nước thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, việc quy định các đề tài khi đăng ký thực hiện phải có cam kết ứng dụng từ một nhà đầu tư khi sản phẩm hoàn thành là rất máy móc. Vì thực tế khi các đơn vị làm nghiên cứu có thể thất bại hoặc thành công. Như vậy, tạo rủi ro cho các nhà đầu tư khi cam kết sẽ sử dụng sản phẩm.
Mặt khác, việc cam kết sử dụng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc sẽ vi phạm Luật Đấu thầu vì như vậy là đã chỉ định thầu để thực hiện công việc. Vì vậy, đề nghị nên bỏ quy định phải có cam kết địa chỉ ứng dụng khi đăng ký đề tài mà quy định trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ chỉ nghiệm thu đề tài khi đã được ứng dụng tại một địa chỉ cụ thể đáp ứng yêu cầu đề ra.
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim nêu, để khoa học và công nghệ thực sự tạo động lực, nền tảng phát triển kinh tế, cần tăng quyền tự chủ thực sự về tổ chức, nhân sự và tài chính (đặc biệt là đãi ngộ cho cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao) cho các tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập kể cả các tổ chức mới tự chủ một phần chi thường xuyên do mức chi này cố định và luôn theo xu hưởng giảm theo từng năm.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thường xuyên, đáp ứng cơ bản nhu cầu nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ và khả năng tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ mới cho các tổ chức khoa học và công nghệ, coi đây là đầu tư phát triển tiềm lực quốc gia, song song, với việc chuẩn hóa các tổ chức khoa học và công nghệ để tập trung nguồn lực đầu tư cũng như nguồn lực cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Một vấn đề nữa cũng được các nhà khoa học ngành Công Thương đề xuất đó là cần có quỹ đầu tư rủi ro cho khoa học và công nghệ; xây dựng định mức (ở những nội dung có thể) cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đồng thời mạnh dạn áp dụng khoán đến sản phẩm cuối cùng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được các Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí để giảm thiểu các thủ thục hành chính đang là một trong các điểm nghẽn hiện nay.
Nhà nước cần đặt hàng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính đón đầu xu thế công nghệ, dẫn dắt sự phát triển ngành, lĩnh vực, song song, với tuyển chọn các nhiệm vụ do các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Công Hoàng - Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam nêu, đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp trong tương lai. Tổng công ty mong muốn Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có những chính sách cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, mong muốn các bộ, ban, ngành sẽ quan tâm hơn nữa tới ngành công nghiệp giấy Việt Nam nói chung và Tổng công ty Giấy Việt Nam nói riêng trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc quản lý cũng như phát triển bền vững.
Mong đợi từ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ
Theo ông Trần Minh, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã qua 10 năm triển khai áp dụng, bên cạnh những tác động tích cực tới hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian qua, đã bộc lộ những điểm bất cập và hạn chế; ngoài ra, hiện nay, xuất hiện những vấn đề mới cần sớm Luật hoá để thực hiện nên việc Bộ Khoa học và Công nghệ đang tổ chức đánh giá và đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là hết sức quan trọng.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành dầu khí
Theo ông Trần Minh, một số điểm mấu chốt về quan điểm tiếp cận và những chính sách lớn cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và cụ thể hoá trong quá trình sửa đổi Luật. Cụ thể, Luật Khoa học và Công nghệ nên tập trung vào chính sách phát triển (cả ở khía cạnh cung và cầu) thay vì tập trung quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Các quy định hiện hành trong Luật Khoa học và Công nghệ tập trung nhiều vào vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ, theo đó, đưa ra các quy định về thành lập tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, có vốn nước ngoài; về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ vốn là nhu cầu và yêu cầu nội tại của nền sản xuất và xã hội, được khuyến khích và cần phải khuyến khích để mọi cá nhân, tổ chức đầu tư và tham gia.
Do đó, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) trong giai đoạn tới cần tập trung, cụ thể hóa các chính sách phát triển, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành liên quan tới Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh các chính sách thúc đẩy ở khía cạnh cung, cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách khuyến khích cầu đối với kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; trước tiên, có thể tập trung vào chính sách tiêu dùng của Chính phủ đối với các sản phẩm khoa học và công nghệ.
"Thay đổi cơ bản quan điểm và tư duy tiếp cận đối với các sản phẩm khoa học và công nghệ nói riêng, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung; nhận diện và lồng ghép trong các quy định pháp luật hiện hành những đặc trưng, đặc thù của sản phẩm, hoạt động, lao động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là vấn đề có tính mấu chốt để giải quyết nhiều vướng mắc hiện tại liên quan tới triển khai Luật Khoa học và Công nghệ" - ông Minh nhấn mạnh.
Nhiều quy định hiện tại như khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự toán ngân sách đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ... đang vướng mắc, thậm chí không thể triển khai do quan niệm cho rằng các sản phẩm và hoạt động khoa học và công nghệ cũng tương tự như các sản phẩm, hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Đồng thời, cần mở rộng phạm vi của hoạt động khoa học và công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay bị giới hạn bởi một số định nghĩa trong Luật Khoa học và Công nghệ, chưa phản ánh đầy đủ và đa dạng hoạt động khoa học và công nghệ trên thực tế; một số nội hàm có tính chất quyết định tới hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ bị bỏ qua hoặc chưa được làm rõ khiến các cơ chế, chính sách thực thi thiếu hoặc không có hiệu quả.
Chưa kể, nhiều khái niệm, định nghĩa trong Luật chưa rõ, còn sự mâu thuẫn, mơ hồ khiến việc triển khai, thực thi luật gặp vướng mắc, khó khăn, thậm chí chồng chéo. Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cần có sự rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để thống nhất các định nghĩa, quy định phân loại đối với các vấn đề có liên quan trong phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ.
Đảm bảo tính thống nhất giữa chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với các quy định có liên quan; tiếp tục nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Khoa học và Công nghệ, đảm bảo tính phù hợp, khả thi trong thực tiễn như các quy định về: Đánh giá và xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ; quy định đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; quy định đối với việc xác định, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đầu tư tài chính phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ liên quan tới quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.
Song song với đó, Luật hóa các vấn đề mới; các cơ chế, nội dung có tính quyết định tới việc ứng dụng, phổ biến các kết quả từ hoạt động khoa học và công nghệ như: Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mô hình kết nối giữa các nhà: nhà nghiên cứu (viện nghiên cứu) - nhà trường (các trường đại học) - doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ vào thực tiễn; mô hình khởi tạo doanh nghiệp từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (spin-off)…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái: Sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương. Chẳng hạn, trong các hoạt động đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng; công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; xây dựng và triển khai các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Điều này, đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng nhanh chóng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời, bảo vệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, ổn định thị trường trong nước cũng như thúc đẩy phát triển xuất khẩu, khai thác các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đáng chú ý, kết quả triển khai từ Chương trình sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu; giúp hình thành và phát triển được một số doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành các nhà cung cấp linh phụ kiện có uy tín, chất lượng tham gia trong chuỗi cung ứng các sản phẩm có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Đặc biệt, tiếp tục đồng hành, chia sẻ trong các vấn đề về phát triển năng lượng bền vững để từ đó có một phương án chung nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” - Net Zero vào năm 2050. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Mặt khác, đẩy mạnh phối hợp đưa các sản phẩm quốc gia thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang