Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/07/2024 | 13:35

Thứ bảy, 27/07/2024 | 13:35

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:22 ngày 18/05/2024

Ngành Công Thương: Ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo đà phát triển bền vững

Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.
Đây là chia sẻ của ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Là Bộ kinh tế đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất luôn được Bộ Công Thương coi trọng. Ông có thể khái quát về những đóng góp của KH&CN cho sự phát triển của ngành Công Thương thời gian qua?
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được xác định là đột phát chiến lược trong thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới. Các kết quả nghiên cứu KH&CN đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)
Ví dụ, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành. Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…
Hay trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm; đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. Trong khai thác hầm lò, mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa được nâng cao thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới: Sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò.
Trong lĩnh vực hóa dược, việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh. Một số sản phẩm điển hình được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học như: Viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não (được sản xuất và thương mại hóa bởi Công ty Traphaco); sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ (Công ty Dược phẩm Mediplantex); chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc (Công ty Vimedimex)…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ, dự án KH&CN nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh (giảm khoảng 60 - 70%) so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, dần chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam. Thành công từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong giai đoạn vừa qua là tiền đề quan trọng để Đảng và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp sinh học…
Hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ quá trình hoàn thiện các định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Trong 73 năm phát triển của ngành, đặc biệt từ giai đoạn thống nhất đất nước tới nay, chính sách phát triển kinh tế nói chung và của ngành Công Thương nói riêng đã có nhiều thay đổi nhằm phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị của đất nước cũng như yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, nghiên cứu khoa học với vai trò cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn đã góp phần quan trọng trong quá trình định hướng phát triển và ban hành các chính sách, tạo ra các bước phát triển có tính đột phá trong cả tất cả ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương)
Nhiều vấn đề mới, có tác động sâu, rộng tới phát triển ngành đều nhanh chóng được đưa vào nội dung nghiên cứu khoa học, luận cứ rõ ràng cho những chủ trương, chính sách mà Bộ và Chính phủ đưa ra, trở thành các quyết sách lớn, góp phần tạo cú hích cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành.
Chẳng hạn như, chính sách về nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp khởi điểm từ những năm 2000, đã trở thành tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện phục vụ việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay; nghiên cứu chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong bối cảnh và thách thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong các ngành công nghiệp.
Đây cũng là căn cứ quan trọng hình thành nên các chính sách, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần quan trọng cho quá trình chuyển đổi từ mục tiêu tăng trưởng sang phát triển bền vững; nghiên cứu chính sách nhằm hỗ trợ quá trình đàm phán, tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hỗ trợ chính sách mở cửa và tham gia vào thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam…
Trong 10 năm trở lại đây, với vai trò và đóng góp ngày một nhiều hơn của KH&CN, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát và tích cực phối hợp với các cơ quan của Đảng và Chính phủ như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương cung cấp những cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động, một số luận điểm lý luận phục vụ công tác xây dựng các chính sách và chủ trương lớn của Đảng về chiến lược phát triển của ngành cũng như định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN&ĐMST, đặc biệt là hoạt động KH&CN của khu vực doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì về mặt cơ chế chính sách cần tháo gỡ?
Chính sách phát triển KH&CN mặc dù đã có những tác động tích cực tới hoạt động KH&CN trong giai đoạn vừa qua, nhưng thực tiễn triển khai đã phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp, cần lựa chọn tiếp cận mới một cách phù hợp, xây dựng các chính sách có tính khả thi, đột phá, giải quyết những khâu theo chốt có ý nghĩa quyết định. Hiện nay, Luật KH&CN năm 2013 đang được xem xét sửa đổi. Tôi cho rằng có một số vấn đề quan trọng cần được đưa vào xem xét và sớm có điều chỉnh phù hợp.
Cụ thể, Luật KH&CN cần chuyển mạnh từ tập trung vào quản lý sang tạo ra hành lang để phát triển, khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của tất cả các cá nhân, tổ chức, thành phần trong xã hội, đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển dựa trên KHCN&ĐMST; hạn chế các quy định chỉ phục vụ mục tiêu quản lý, gây cản trở cho việc triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST; về bản chất, đây vốn là nhu cầu và yêu cầu nội tại của tất cả các tổ chức, nền sản xuất và toàn xã hội.
Thay đổi cơ bản quan điểm và tư duy tiếp cận đối với các sản phẩm KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN nói chung; nhận diện và lồng ghép trong các quy định pháp luật hiện hành những đặc trưng, đặc thù của sản phẩm, hoạt động, lao động trong lĩnh vực KH&CN là vấn đề có tính mấu chốt để giải quyết nhiều vướng mắc hiện tại liên quan tới triển khai Luật KH&CN.
Nhiều quy định hiện tại như: Khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN, dự toán ngân sách đối với nhiệm vụ KH&CN... đang vướng mắc, thậm chí không thể triển khai do quan niệm cho rằng các sản phẩm và hoạt động KH&CN cũng tương tự như các sản phẩm, hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Mở rộng phạm vi của hoạt động KH&CN, phù hợp với trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền sản xuất trong nước: Hoạt động KH&CN hiện nay bị giới hạn bởi một số định nghĩa trong Luật KH&CN, chưa phản ánh đầy đủ và đa dạng hoạt động KH&CN trên thực tế; một số nội hàm có tính chất quyết định tới hiệu quả của hoạt động KH&CN bị bỏ qua hoặc chưa được làm rõ khiến các cơ chế, chính sách thực thi thiếu hoặc không có hiệu quả.
Chính sách KH&CN trong thời gian tới cần ưu tiên tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST gắn với doanh nghiệp. Cụ thể, cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KHCN&ĐMST của doanh nghiệp, hình thành nhóm chính sách cho đối tượng là doanh nghiệp; ưu tiên nguồn đầu tư của nhà nước để triển khai các chương trình KH&CN nghiên cứu ứng dụng, các chương trình hỗ trợ về ĐMST của doanh nghiệp; ưu tiên phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực…
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang