Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 07:10

Thứ ba, 07/05/2024 | 07:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:23 ngày 26/09/2022

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ trong đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm...
Đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia
Phát biểu khai mạc “Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022” vào sáng 23/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Khai mạc “Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022” (Ảnh: congthuong.vn/)
Chiến lược đưa ra mục tiêu “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận; nhu cầu ngày càng lớn và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo của chính phủ” do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
“Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Sau 4 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, các tập đoàn công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Năm nay, AI4VN có chủ đề “AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai” được tổ chức trong hai ngày 22-23/9/2022 tại Hà Nội với mục tiêu: thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển KT-XH của đất nước; đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hoá năng lực cạnh tranh.
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng mạnh mẽ
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao việc tổ chức ngày hội năm nay với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai". Đây là cách tiếp cận tiên tiến, đặt công nghệ trong bối cảnh vĩ mô để nhìn nhận, đánh giá vai trò của công nghệ tác động tới các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Trí tuệ nhân tạo góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu nghe giới thiệu về ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ảnh: congthuong.vn/)
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo, trình Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Chiến lược đã nêu rõ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho phát triển các công nghệ mới, trong đó, ưu tiên tập trung vào các công nghệ có tính ứng dụng cao, giải quyết những bài toán phát triển cho doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây cũng là quan điểm được Bộ đề xuất đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong đó, xác định đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Do đó, phát triển khoa học và công nghệ luôn là yếu tố đầu vào quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại các giá trị bền vững lâu dài, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, trong thời gian qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường…
"Trong giai đoạn chống dịch Covid-19 (năm 2020, 2021), nhiều ứng dụng AI được phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh, khoanh vùng chống dịch. Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã xây dựng và phát triển các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc" - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm, dịch vụ mới, hứa hẹn sẽ là những lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu tại ngày hội AI4VN, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ, AI đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế, tạo ra 1,3 triệu lao động mới tại Australia và Việt Nam. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phát triển AI mạnh mẽ, tăng 14 bậc, trở thành quốc gia đứng thứ 62 toàn cầu và đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.
Theo congthuong.vn/
lên đầu trang