Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 12/10/2024 | 10:25

Thứ bảy, 12/10/2024 | 10:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:12 ngày 03/04/2024

Ngành giấy đổi mới công nghệ vì môi trường và người tiêu dùng

Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp giấy, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã chủ động nghiên cứu những công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm giấy chất lượng, vừa bảo đảm sức khỏe người sử dụng, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. 
Ngày nay, ở Việt Nam, các túi đựng hàng tiêu dùng chủ yếu được sản xuất từ PE (polyethylene), PS (polystyrene), PP (polypropylen), PVC (polyvinylchloride) và các sản phẩm giấy. Các túi làm từ PE, PS, PP và PVC có nhiều ưu điểm như: giá rẻ, mỏng, nhẹ, chống thấm nước tốt, độ bền cao. Mặc dù vậy, các loại túi này rất khó phân hủy, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đất, nước và môi trường sống. Nếu xử lý bằng cách đốt cũng gây ra nhiều bất tiện, có thể tạo ra các loại khí độc hại.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường sống, các sản phẩm dùng một lần, túi đựng hàng hóa đang dần có những thay đổi theo hướng: sử dụng sản phẩm xanh, có khả năng tái chế cao, phân hủy thân thiện với môi trường. Một trong các hướng được lựa chọn thay thế là các sản phẩm từ giấy.
Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp giấy, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã chủ động nghiên cứu những công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm giấy chất lượng, vừa bảo đảm sức khỏe người sử dụng, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. Cụ thể, thông qua dự án “Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng”, các nhà khoa học của Viện đã hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng với công suất 3 tấn/ngày. Từ quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị chế tạo được, các nhà khoa học tiếp tục sản xuất thành công 201.170 kg giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm túi giấy cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra với các thông số cụ thể như: Định lượng ˃ 80g/m2; Chiều dài đứt theo chiều dọc: 7.386m, theo chiều ngang: 3.274 m; Chỉ số xé theo chiều dọc: 11,4 m.Nm2/g, theo chiều ngang: 12,6 m.Nm2/g; Chỉ số bục: 3,2 kPa.m2/g; Độ hút nước Cobb60: 27 g/m2.
Túi giấy do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô nghiên cứu và sản xuất (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Tính đến tháng 12/2023, toàn bộ 201.170 kg giấy sản xuất được đã được tiêu thụ hết, mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Trong các năm tiếp theo, khi vận hành 100% công suất sản xuất của dây chuyền thì lợi nhuận đạt được là hơn 10 tỷ đồng/năm (sau thuế thu nhập doanh nghiệp) và thời gian thu hồi vốn là 4,85 năm.
TS. Cao Văn Sơn – Chủ nhiệm dự án cho biết, để đánh giá tác động môi trường của dự án, trong quá trình chế tạo thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện công tác đánh giá chất lượng nước thải tại điểm trước khi vào hệ thống xử lý (hố thu gom) và điểm xả thải. Kết quả cho thấy, nước thải được thải ra có lưu lượng thấp, không phát mùi đặc trưng, các chỉ số COD, BOD sau khi qua hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh việc làm chủ công nghệ sản xuất giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng, Viện Công nghiệp Giấy và Xenlylô còn tích cực nghiên cứu để sản xuất giấy bao gói thực phẩm sử dụng một lần thông qua việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nanocellulose và nanochitosan cho sản xuất giấy bao gói thực phẩm”. Sau hơn 3 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo nanocellulose từ nguồn nguyên liệu trong nước, và chế tạo được 157,8 kg nanocellulose có đặc tính vượt trội về kích thước xơ sợi. Đồng thời, xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị chế tạo nanocellulose và nanochitosan với quy mô 5 kg/mẻ và ứng dụng vật liệu nano chế tạo được cho xử lý bề mặt giấy.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội của đề tài, KS. Đỗ Thị Thu Nguyệt – Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài đã tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn phế phụ phẩm tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động được nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thiết yếu, tăng cường tái chế, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, hiện đại hóa và nâng cao tính cạnh của ngành công nghiệp giấy Việt Nam.
“Các kết quả nghiên cứu là cơ sở phát triển công nghệ sản xuất vật liệu nano từ sinh khối, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của lĩnh vực tiêu dùng bao bì. Các kết quả của đề tài có thể tiếp tục được ứng dụng cho phát triển lĩnh vực công nghệ vật liệu, công nghiệp bao bì dùng cho thực phẩm/dược phẩm, tạo ra các sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội” – KS. Đỗ Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, với nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngành sản xuất giấy cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, nước thải… Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất giấy có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Do đó, việc đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị sản xuất, hướng tới phát triển bền vững là việc làm cần thiết. Con đường sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng mà nếu doanh nghiệp nào đi trước, đón đầu sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai.
Hà Nguyễn

lên đầu trang