Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 21/09/2024 | 06:50

Thứ bảy, 21/09/2024 | 06:50

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:24 ngày 09/08/2024

Khai thác dữ liệu xây dựng Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Bộ chỉ số PII là một tài liệu hữu ích để lãnh đạo địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương dựa trên Khoa học Công nghệ-Đổi mới sáng tạo.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ chỉ số PII là một tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương dựa trên Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Dựa trên Bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ 1/1/2023, lần đầu tiên Bộ chỉ số được Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, xây dựng trên toàn quốc.
Theo kết quả Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong 10 địa phương dẫn đầu có năm thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội (số 1), Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 2), Hải Phòng (thứ 3), Đà Nẵng (thứ 4), Cần Thơ (thứ 5). Năm địa phương có công nghiệp phát triển là Bắc Ninh (thứ 6), Bà Rịa-Vũng Tàu (thứ 7), Bình Dương (thứ 8), Quảng Ninh (thứ 9) và Thái Nguyên (thứ 10). Đây đều là các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.
Top 10 cũng là các địa phương dẫn đầu theo vùng kinh tế-xã hội với cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thị trường, doanh nghiệp cao so với mặt bằng chung cả nước. Vốn con người, nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tỉnh, thành top 10 cũng vượt trội so với các địa phương khác.
Để tiếp tục xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024, ngày 5/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số PII; Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực thực hiện Chỉ số PII.
Top các địa phương dẫn đầu chỉ số PII dẫn đầu theo vùng kinh tế-xã hội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Nhằm thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì thực hiện đã yêu cầu các Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thực hiện theo Khung chỉ số PII năm 2024. Đồng thời, nhập dữ liệu, tải tài liệu minh chứng (bản mềm) lên phiếu thu thập dữ liệu trực tuyến trước ngày 30/8/2024.
Nêu cụ thể hơn quy trình xây dựng dữ liệu phục vụ Chỉ số PII, ông Nguyễn Võ Hưng, Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cho biết ngày 24/7/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt Khung Chỉ số PII năm 2024.
Theo đó, Khung Chỉ số PII năm 2024 gồm 7 trụ cột: Thể chế (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về môi trường chính sách, môi trường kinh doanh); Nguồn nhân lực và nghiên cứu (gồm 2 nhóm chỉ số và 7 chỉ số thành phần liên quan đến giáo dục, nghiên cứu và phát triển); Cơ sở hạ tầng (gồm 2 nhóm chỉ số, 5 chỉ số thành phần liên quan đến hạ tầng ICT, cơ sở hạ tầng chung và môi trường sinh thái); Trình độ phát triển của thị trường (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về tài chính và đầu tư, dịch vụ hỗ trợ); Trình độ phát triển của doanh nghiệp (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về lao động có tri thức, liên kết sáng tạo, hấp thu tri thức); Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về sáng tạo tri thức, tài sản vô hình, lan tỏa tri thức); Tác động (gồm 2 nhóm chỉ số, 8 chỉ số thành phần về tác động đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến kinh tế-xã hội).
Các kỹ thuật tính toán cần được áp dụng để đảm bảo bộ chỉ số phù hợp, đo lường được đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra gồm việc xử lý các trường hợp bị thiếu dữ liệu; thực hiện phân tích đa biến để kiểm định mối quan hệ tương quan giữa các chỉ số được lựa chọn, đánh giá sự phù hợp của dữ liệu; quy chuẩn dữ liệu để đảm bảo so sánh được.
Kỹ thuật tính toán, phân tích của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tiếp tục được học hỏi, áp dụng đối với Chỉ số PII. Sau khi phương pháp tính toán được kiểm định, đảm bảo tính phù hợp, các phân tích chi tiết được thực hiện theo đánh giá chung và cho từng địa phương. Các phân tích được thực hiện để xem xét đóng góp của từng nhóm chỉ số, chỉ số thành phần cụ thể đến bộ chỉ số tổng hợp. Đồng thời phân tích, xác định những điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương theo bộ chỉ số, lý giải kết quả đánh giá, xếp hạng của từng địa phương.
Kết quả đánh giá, xếp hạng hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương sẽ được xây dựng thành báo cáo tổng hợp với phân tích chung và cho từng địa phương. Báo cáo sẽ được công bố, phổ biến kết quả đến các địa phương, các cơ quan Trung ương và các bên liên quan thông qua hội thảo công bố trực tiếp và tài liệu hóa, xuất bản dưới hình thức bản cứng và bản mềm./.
Nguồn: Vietnamplus
lên đầu trang