Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 18/09/2024 | 05:16

Thứ tư, 18/09/2024 | 05:16

Chính sách

Cập nhật lúc 15:50 ngày 12/08/2024

Vì sao cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật?

Thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi.
Cần sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong các FTA
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Dự thảo Luật (sửa đổi) được đánh giá có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Ảnh: QN
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo thể chế hóa chủ trương đổi mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đồng thời, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm có 4 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 6 chương và 66 điều (giảm 01 chương và giảm 5 điều so với Luật hiện hành).
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau gần 20 năm triển khai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 cần được bổ sung, sửa đổi để theo kịp với yêu cầu của xã hội.
Khi Luật được xây dựng, Việt Nam chưa gia nhập WTO. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên WTO và đã ký hàng chục thỏa thuận FTA với các nước, trong đó có nội dung tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực này cho phù hợp.
Có thể thấy, trong các FTA thế hệ mới đều có điều khoản quy định về minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, tuy nhiên, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Điều 6) chỉ đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế.
Mặc dù một số điều khoản có quy định về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp phải xem xét tính phù hợp với cam kết quốc tế có liên quan, nhưng các quy định này còn ở mức cơ bản, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, những nội dung quy định này mang tính thụ động của Việt Nam khi hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Điều 8), chưa thể hiện tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế.
Trong khi đó, Hiệp định WTO/TBT (Phụ lục 3) và các FTA thế hệ mới (Điều 8.7 Hiệp định CPTPP, Điều 5.5 Hiệp định EVFTA, Điều 6.6 Hiệp định RCEP) quy định trách nhiệm của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa, ưu tiên hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo thuận lợi hóa thương mại.
Hơn nữa, các FTA thế hệ mới với các cam kết mở hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực.
Nâng cao tính khả thi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng cao, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế trong thực tiễn thi hành như chưa có các quy định nghĩa vụ minh bạch hoá liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chưa phát huy tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế...
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao tính khả thi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; minh bạch, tăng cường vai trò của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Theo các chuyên gia, các quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật vẫn còn một số quy định còn chưa thực sự phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cạnh tranh,... nên cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Mặt khác, cần nghiên cứu để chuẩn hoá một số khái niệm trong Hiệp định CTTTP trong dự thảo Luật; bổ sung các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các hiệp định theo hướng mở hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia, hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP dẫn đến việc thực thi các các hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang