Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 20/09/2024 | 04:29

Thứ sáu, 20/09/2024 | 04:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:20 ngày 19/08/2024

Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm quốc gia

Vừa qua, tại Nha Trang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, với việc hình thành và phát triển sản phẩm Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái chủ trì hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)
Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh rằng "Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030", được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010, nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt có tính cạnh tranh cao về chất lượng và giá thành, đồng thời khai thác lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.
Chương trình cũng tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Chương trình hiện đã triển khai phát triển 13/18 sản phẩm quốc gia. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đóng góp lớn vào xuất khẩu và chiếm thị phần lớn trong nước, trong khi sản phẩm công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao. Các sản phẩm y tế như vắc xin cũng góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và có thể sản xuất trong nước.
Về cơ bản, chương trình được triển khai bám sát mục tiêu đề ra, đã hình thành các sản phẩm của Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn. Trong đó có sản phẩm lúa gạo chất lượng cao; nghiên cứu tạo giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng được gói kỹ thuật thâm canh giảm 50% nhu cầu hạt giống nhưng vẫn đảm bảo năng suất, đã mang lại doanh thu gián tiếp 1.500 tỷ đồng/năm; sản phẩm giàn khoan dầu khí di động, giúp doanh nghiệp tham gia giảm được chi phí đầu tư so với nhập khẩu từ 10-15% (tương đương khoảng 23 triệu USD).
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)
Thứ trưởng khẳng định: "Các kết quả này có tính lan tỏa và tác động tích cực, nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ, thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế".
Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tận dụng công nghệ tiên tiến và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp tục nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, cần hình thành và phát triển ít nhất 10 sản phẩm quốc gia mới.
Hội thảo đã thu thập nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trong đó nhiều ý kiến đã chỉ ra và đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn và vướng mắc hiện tại. Các đề xuất này nhằm giúp Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh và thực hiện chương trình một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo đạt được mục tiêu và tuân thủ các quy định đã đề ra.
Theo Chủ nhiệm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 Đỗ Hữu Hào, hiện có 8 sản phẩm quốc gia đã phê duyệt được Thủ tướng cho phép thực hiện tiếp trong giai đoạn đến năm 2030 để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm ổn định chất lượng, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất theo mục tiêu đã phê duyệt, bao gồm: Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; sâm Việt Nam; lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; nấm ăn và nấm dược liệu; cà phê Việt Nam chất lượng cao; cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm từ cá da trơn; tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) và vi mạch điện tử.
Đức Chung
lên đầu trang