Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 20/09/2024 | 10:42

Thứ sáu, 20/09/2024 | 10:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:33 ngày 03/10/2014

"Xanh hoá" trong sản xuất công nghiệp

Những năm trước, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh như cơ khí chế tạo, điện, điện tử vẫn còn rất nhỏ, trong khi đó sản phẩm chế biến thô và gia công chiếm tỉ trọng khá lớn. Việc khai thác với sản lượng mỗi ngày một tăng dần các loại khoáng sản đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Do vậy, việc tiếp tục duy trì, phát triển công nghiệp sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn, áp lực về bảo vệ môi trường sinh thái, mâu thuẫn xung đột với phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững của tỉnh.

Hệ thống phun sương dập bụi của Công ty Tuyển than Cửa Ông nhằm bảo vệ môi trường.

Khắc phục những tồn tại này, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Mục tiêu của ngành công nghiệp Quảng Ninh trong giai đoạn tới là sẽ thực hiện mục tiêu giảm dần các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường và ưu tiên phát triển công nghiệp xanh. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh đạt 21.952 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 13.470 tỷ đồng; công nghiệp địa phương 3.517 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4.964 tỷ đồng. Những con số này đã phần nào khẳng định bước đi đúng hướng của ngành công nghiệp Quảng Ninh trong lộ trình triển khai thực hiện chiến lược “công nghiệp hoá sạch”. Để thực hiện mục tiêu này, giờ đây, Quảng Ninh cũng đang trải thảm đỏ thu hút đầu tư, song chỉ ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án theo hướng có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, với hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Ngành công nghiệp được tái cấu trúc lại từ chỗ tư tưởng chủ yếu là nhờ khai thác nhân công giá rẻ, gia công, xuất khẩu sản phẩm thô là chính chuyển sang phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chiều sâu.

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã không ngừng tập trung đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, cải tiến thiết bị để nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các đơn vị ngành Than đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than ở các mỏ lộ thiên theo hướng sử dụng các loại thiết bị có công suất lớn và phù hợp với quy mô, điều kiện của từng mỏ. Cùng với đó, theo quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam, đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, việc khai thác than phải giảm dần khai thác lộ thiên để chuyển qua khai thác than hầm lò, do đó các đơn vị đã và đang nỗ lực đầu tư các dự án xây dựng mỏ than hầm lò hiện đại như: Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo của Công ty CP Than Núi Béo; dự án khe chàm II-IV của Công ty CP Than Hạ Long… Có thể nói, bằng những hành động cụ thể, lợi ích về kinh tế đang được song hành cùng với lợi ích xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo Báo Quảng Ninh
lên đầu trang