Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 06:27

Chủ nhật, 05/05/2024 | 06:27

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 14:23 ngày 02/12/2015

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho 'lùi' thuế xuất khẩu sắn lát

Trước mắt Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư 63/2015/TT-BTC để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay.

Áp dụng thuế xuất khẩu sắn lát từ 1% hoặc 2% kể từ 1/1/2016

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai vừa ký văn bản 10420/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63/2015/TT-BTC (TT 63) để tháo gỡ khó khăn ngay cho DN và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay. Cụ thể là chưa thực hiện ngay việc thu thuế xuất khẩu mặt hàng sắn theo Thông báo số 19/TB- VPCP ngày 26/1/2015.

Lý do theo Bộ Tài chính, vì lượng sắn lát tồn kho (khoảng 500.000 tấn) hiện nay nếu xuất khẩu sẽ lỗ và DN xuất khẩu sắn sẽ giảm giá thu mua, giảm lượng thu mua đối với sản lượng sắn đang trồng vụ mùa này của người nông dân.

Việc dừng thực hiện TT 63 sẽ giải quyết khó khăn

cho các DN xuất khẩu sắn lát và người nông dân trồng sắn

Theo đó, việc dừng thực hiện TT 63 sẽ giải quyết khó khăn cho các DN xuất khẩu sắn lát (do việc thay đổi chính sách dẫn đến hàng tồn kho nhiều và đang bị nấm, mốc, giảm chất lượng làm tăng tỷ lệ hao hụt do đang vào mùa mưa ở các vùng này), và người nông dân trồng sắn.

Đồng thời Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi TT 63 theo đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1/1/2016.

Cơ sở cho đề nghị này theo Bộ Tài chính, với giá thành để xuất khẩu tại thời điểm tháng 12/2014, giá xuất khẩu bình quân hiện tại của năm 2015, nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu 5%, DN sẽ bị lỗ hơn 10 USD/tấn (tương đương 229.250 đồng/tấn). Còn nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu 2%, DN sẽ bị lỗ 5,2USD/tấn (tương đương 114.000 đồng/tấn), và nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu 1%, DN sẽ bị lỗ 2 USD/tấn (tương đương 43.600 đ/tấn, chưa tính các chi phí phát sinh liên quan đến việc tồn kho tính đến thời điểm hiện nay).

Với mức thuế suất 1% hoặc 2%, DN vẫn lỗ nhưng để DN xuất khẩu phải tính toán cân đối lại các chi phí liên quan, giá thu mua sắn từ người nông dân và giá xuất khẩu sắn.

Cũng theo Bộ Tài chính, sau khi có Thông tư sửa đổi TT 63, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình tăng dần mức thuế suất thuế xuất khẩu sắn cho phù hợp với lộ trình áp dụng xăng sinh học tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, DN và người nông dân trồng sắn.

“Lùi thuế” gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp

Trước đó ngày 6/5/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2015.

Việc ban hành thông tư này nhằm thực hiện Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26/1/2015 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, trong đó có giao Bộ Tài chính “điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học”.

Bộ Tài chính cũng đã nhận được ý kiến đồng thuận điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu bằng văn bản của một loạt các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN. Tuy nhiên sau khi TT 63 được ban hành, Bộ Tài chính đã nhận được một số công văn kiến nghị của tập thể các DN xuất khẩu sắn lát ở Bình Định, TP.Hồ Chí Minh và một số cá nhân, DN gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung các kiến nghị đều phản ánh về việc thời gian áp dụng thuế xuất khẩu sắn lát quá nhanh dẫn đến lượng tồn kho lớn và mức thuế suất 5% quá cao sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nguyên liệu và trồng sắn của người nông dân, và đề nghị lùi thời hạn áp dụng thuế xuất khẩu sắn lát đến năm 2016.

Để giải quyết các kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp ngày 23/6/2015 với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội sắn, Hiệp hội nhiên liệu sinh học và 14 DN xuất khẩu sắn lát. Đồng thời đã tổ chức khảo sát tại hai tỉnh Bình Định và Gia Lai trong hai ngày 25, 26/6/2015, là hai địa bàn theo phản ánh có lượng tồn kho sắn lát lớn để tìm hiểu tình hình thực tế.

Qua tìm hiểu, hiện tại Việt Nam có khoảng 50 công ty xuất khẩu sắn lát. Tính đến ngày 15/6/2015, tổng sản lượng sắn lát khô xuất khẩu là 1,5 triệu tấn. Với sản lượng sắn lát khô xuất khẩu trung bình năm là 2 triệu tấn thì trong cả nước hiện nay tồn kho khoảng 500.000 tấn sắt lát khô.

Với mục đích của việc điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu sắn là nhằm giữ nguyên liệu cho sản xuất cồn ethanol trong nước, theo thực tế khả năng sản xuất cồn ethanol biến tính của 03 nhà máy trong nước có khả năng sản xuất cồn biến tính E100, với giả thiết 03 nhà máy này chạy đạt 85% công suất, Bộ Tài chính cũng đã tính toán khả năng sản xuất cồn ethanol biến tính (E100) và nhu cầu sắn lát khô của 3 nhà máy nêu trên cho giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể năm 2016, cần khoảng 0,516 triệu tấn sắn lát khô (tương ứng với 184.410 tấn E100); từ 2018 đến 2020: cần khoảng 0,704 triệu tấn sắn lát khô/năm (tương ứng 251.690 tấn E100).

Với thực tế hiện nay, sản lượng sắn lát khô cho sản xuất cồn E100 là 150.000 tấn/năm (chiếm 6% sản lượng sắn lát xuất khẩu) và nhu cầu sắn lát khô cho sản xuất xăng E5 theo lộ trình nêu tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg đến năm 2020 mới đạt 1,09 triệu tấn (chiếm 54,5% sản lượng xuất khẩu) cho thấy, nhu cầu sắn lát khô cho sản xuất xăng sinh học quá thấp (cả hiện nay và dự kiến năm 2020) so với sản lượng sắn lát khô xuất khẩu hiện nay (2 triệu tấn/năm).

"Vì vậy, việc thu thuế xuất khẩu sắn lát ngay tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sắn lát và đời sống của người nông dân", Bộ Tài chính cho biết.

Theo Thời Báo Tài Chính

lên đầu trang