Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 22:45

Thứ sáu, 17/05/2024 | 22:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:52 ngày 15/07/2013

Đưa kết quả nghiên cứu KHCN trở thành sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt

 

Nằm trong hệ thống các viện nghiên cứu của ngành Công Thương, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) có đặc thù là đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu chủ yếu về lĩnh vực: Cơ khí - Điện tử - Tự động hóa - Tin học công nghiệp. Từ năm 2002, IMI được chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 08/02/2002, Quyết định số 14/2004/QĐ-TTg ngày 29/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 56/2002/QĐ-BCN ngày 18/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Tháng 7 năm 2010, Viện được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp theo quyết định số 3456/QĐ-BCT ngày 29/6/2010 của Bộ Công Thương.


Với năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu dày dạn, cùng đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực và nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất - một thế mạnh đặc thù của IMI từ trước đây, nên mặc dù phải chuyển sang một mô hình hoạt động mới mẻ, đầy thách thức và khó khăn - từ viện nghiên cứu chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhưng đây lại là động lực để IMI liên tục phát triển trong những năm gần đây.

Sau 07 năm chuyển đổi, đến nay, IMI đã củng cố và phát triển được 09 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, cùng với 13 công ty thành viên. Tổng số CBCNV của Viện và các công ty thành viên trên 1.200 người, trong đó có 03 GS và PGS, 11 tiến sỹ kỹ thuật, 25 thạc sỹ và gần 600 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng. Tổng số vốn điều lệ của các công ty thành viên gần 200 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của IMI tại các công ty thành viên xấp xỉ 26 tỷ đồng (chiếm 15%). Trong vòng 10 năm trở lại đây, IMI đã thực hiện và hoàn thành 12 đề tài KHCN cấp nhà nước, 65 đề tài KHCN cấp Bộ và hàng trăm nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Viện, tạo 10 giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp, 15 phần mềm ứng dụng và góp phần thiết kế chế tạo thành công hàng trăm sản phẩm mới, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất công nghiệp trong các ngành kinh tế trong nước, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho Viện và các đơn vị thành viên mỗi năm, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách, tiết kiệm mỗi năm hơn 10 triệu USD do thay thế hàng nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với nhu cầu của thịtrường: Từ nghiên cứu thị trường đề ra nhiệm vụ KH&CN, đưa kết quả nghiên cứu KH&CN trở thành sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, IMI đã đặt trọng tâm cho việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường để nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao, có nhu cầu lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. IMI cho rằng, việc lựa chọn đúng những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường là nhân tố quan trọng nhất để xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ và thực hiện theo mô hình nghiên cứu từ thị trường đến thị trường.

Đặc biệt, hưởng ứng thực hiện Chỉ thị số 21/CT-BCT của Bộ Công Thương về thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước, IMI là một trong số các doanh nghiệp đã triển khai nghiên cứu, thiết kế và sản xuất được các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Đó là các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, sản xuất và kinh doanh ổn định, được IMI trực tiếp thực hiện chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài, nghiên cứu cải tiến và đưa vào ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.

Có thể kể ra đây 5 nhóm sản phẩm lĩnh vực công nghiệp đã được IMI nghiên cứu, chế tạo thành công.

Trước tiên về lĩnh vực máy công cụ, IMI đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công máy gia công CNC 5 trục tọa độ; Thiết kế chế tạo thành công các máy công cụ điều khiển tự động (máy phay F4025CNC, máy tiện T25 CNC); Thiết kế chế tạo thành công máy cắt thép tấm sử dụng gas, Plasma điều khiển CNC; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy điều khiển CNC sản xuất cốt thép của ống bê tông kích thước lớn; Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy hàn lưới thép điều khiển CNC dùng cho ngành Xây dựng.

Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các sản phẩm trên đã tạo ra máy công cụ điều khiển tự động CNC trang bị cho các cơ sở gia công cơ khí; cung cấp hàng trăm máy cắt thép tấm điều khiển CNC cho các cơ sở đóng tàu trong cả nước và các nhà máy chế tạo kết cấu, gia công dầm thép; cùng những thiết bị tự động cho các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông chất lượng cao và xây dựng. Những thành công này còn góp phần nâng cao mức độ tự động hoá trong sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng gia công, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm cho cơ sở sản xuất; đồng thời, đáp ứng thay thế thiết bị nhập ngoại tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Tiếp đến là nhóm lĩnh vực phục vụ ngành Xây dựng và Giao thông Vận tải. IMI đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo cối trộn vật liệu rời kiểu trục ngang cho các trạm trộn bê tông cỡ lớn, từ 80 - 200m3/h; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất bê tông dự lạnh năng suất 120m3/h dùng cho xây dựng đập bê tông khối lớn; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thùng trộn và vận chuyển bê tông 6m3 đặt trên xe cơ sở Kamaz 55111; Nghiên cứu, thiết kế và lập quy trình công nghệ chế tạo máy rải bê tông xi măng với chiều rộng rải 2-6m; Nghiên cứu thiết kế chế tạo cối trộn bê tông có cốt liệu kích thước lớn đến 100/120mm cho các trạm trộn bê tông tự động năng suất 30-60m3/h.

Thành quả thu nhận được sau khi thực hiện các dự án nghiên cứu trên là IMI đã làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp, hướng tới triển khai phát triển sản phẩm trên quy mô công nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước; tăng khả năng tự chế tạo trong nước thay cho nhập ngoại; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu chi phí cho chủ đầu tư.

Việc chế tạo sản phẩm phục vụ cho ngành Xây dựng và Giao thông Vận tải đã góp phần nội địa hoá các hệ thống thiết bị sản xuất bê tông dự lạnh tới 80-90%, đẩy nhanh sự phát triển của các ngành chế tạo thiết bị cơ khí và thiết bị lạnh cỡ lớn của Việt Nam. Làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị sản xuất bê tông lạnh cỡ lớn, còn đáp ứng mọi nhu cầu sản xuất đòi hỏi, đặc biệt cho ngành xây dựng thuỷ công, thuỷ điện, góp phần trực tiếp đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công hàng loạt công trình trọng điểm của Nhà nước trong thời gian qua.

Bên cạnh những lợi ích kể trên, còn phải kể đến những lợi ích khác, như: góp phần giảm suất đầu tư cho các công trình thông qua việc giảm giá thành thiết bị, giảm chi phí ngoại tệ, giảm chi phí lắp đặt, bảo trì các hệ thống thiết bị. Điển hình, IMI đã thực hiện thành công công trình Trạm Bê tông dự lạnh Bản Chát (bao gồm cả hệ thống vận chuyển bê tông đồng bộ): tiết kiệm 4 triệu USD so với giá nhập khẩu; Trạm Bê tông dự lạnh Đồng Nai 4 (bao gồm cả hệ thống vận chuyển bê tông đồng bộ): tiết kiệm 7 triệu USD so với giá nhập khẩu; Các trạm cỡ trung bình còn lại, mỗi trạm tiết kiệm 0,5 triệu USD. Tổng cộng, các hệ thống sản xuất bê tông lạnh của IMI Holding và các công ty con chế tạo lắp đặt đã tiết kiệm được không dưới 13,5 triệu USD so với giá nhập khẩu thiết bị toàn bộ.    

Trong ngành chế biến, IMI đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất muối tinh liên tục; thiết bị sấy vi sóng dùng trong chế biến nông sản, thực phẩm. Hiệu quả thu được là đã hiện đại hóa trang thiết bị cho các nhà máy sản xuất thực phẩm và hóa chất, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực và các chi phí khác trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng các nông sản và thực phẩm xuất khẩu.

Ở lĩnh vực đo lường, tự động hóa trong công nghiệp, IMI đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trung tâm điều khiển định lượng và cấp phối chuyên dùng cho hệ thống 04 cân công nghiệp, ứng dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ điều khiển trạm trộn bê tông trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhúng; Nghiên cứu ứng dụng điều khiển 2D trên nền PLC để tự động hoá công nghệ Step lap trong công nghiệp SX máy biến áp; Thiết kế, chế tạo bộ điều khiển tự động cho máy điều hoà không khí kỹ thuật số, tạo ra IC điều khiển chuyên dụng trong CNSX máy không khí mang thương hiệu VN; Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý ảnh trong các máy soi hàng hoá bằng tia X; Nghiên cứu công nghệ nhiệt luyện bề mặt bằng lazer CO2; Ứng dụng các công nghệ điều khiển tổ hợp Fuzzy logic PLD để thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển lò đốt công suất lớn hiệu suất cao (5.000-10.000 kW) phục vụ công nghiệp hoá chất, vật liệu, năng lượng; Nghiên cứu, thiết kế và ứng dụng công nghệ dập bước liên tục trong sản xuất tấm tản nhiệt điều hoà không khí và nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển (vi xử lý) cho thang máy.

Từ đây, IMI đã làm chủ được công nghệ điều khiển vi xử lý trong các thiết bị cơ điện tử tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, tạo tiền đề để sản xuất các sản phẩm cơ điện tử mang thương hiệu Việt Nam; Tạo ra bộ điều khiển được sử dụng cho công nghiệp sản xuất các máy điều hòa, thang máy, lò đốt, lò sấy..., mang thương hiệu Việt; Ứng dụng các công nghệ thiết kế hiện đại, các hệ thống phần mềm thiết kế và chế tạo, nhờ sự trợ giúp của máy tính CAD/CAM/CNC; Nâng cao mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng sản phẩm kim loại và phi kim loại; Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận công nghệ nguồn của các nước phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử - tin học ở nước ta; Cung cấp thiết bị điều khiển tiên tiến cho các nhà chế tạo thiết bị, thay thế thang máy nhập khẩu nhằm giảm chi phí đầu tư cho các công trình, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Ngoài các lĩnh vực kể trên, IMI còn tham gia nghiên cứu, thiết kế chế tạo các sản phẩm phục vụ cho ngành Xử lý và bảo vệ môi trường, như các hệ thống thiết bị xử lý nước, xử lý rác thải, hệ thống lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện….; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cho ngành Y tế, như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy chụp X-Quang cao tần sử dụng trong y tế. Qua đó, đã xây dựng được cơ sở thiết kế, công nghệ chế tạo máy chiếu chụp X-quang cao tần y tế, tạo tiền đề và điều kiện phát triển kỹ thuật chế tạo máy chuẩn đoán hình ảnh nói chung và máy X-quang cao tần kỹ thuật số nói riêng; Tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị y tế, tiết kiệm ngoại tệ. Từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo hệ thống trang thiết bị y tế công nghệ cao.

 Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao ứng dụng sản phẩm mới vào sản xuất và đi tiên phong xây dựng mô hình hoạt động mới, IMI đã khẳng định là doanh nghiệp nghiên cứu hàng đầu về cơ điện tử, sản xuất và cung cấp hàng trăm loại sản phẩm công nghệ cao cho các ngành kinh tế trong nước, để từng bước thay thế hàng nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ cho Nhà nước, bên cạnh đó, còn mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Những thành quả mà IMI đạt được sẽ tiếp tục được phát triển, với mục tiêu ngày càng nghiên cứu, chế tạo thật nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị trong nước hiện nay và trong tương lai.

 

Bộ Công Thương đã có Quyết định số 5569/QĐ-BCT ngày 26/10/201 bổ sung một số sản phẩm của IMI sản xuất được vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được theo Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010, gồm các sản phẩm: Trạm trộn bê tông thương phẩm, năng suất: 20÷120 m3/h; Trạm trộn bê tông đầm lăn, năng suất: 100÷180 m3h; Trạm trộng bê tông dự lạnh, năng suất:120÷180 m3h; Cân ô tô điện tử (trọng tải từ 30T, 50T, 60T, 80T, 100T); Cân tàu điện hoả điện tử (tải trọng 100T, 120T).

 

 Phương Thảo

lên đầu trang