Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 11:03

Thứ năm, 09/05/2024 | 11:03

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 10:09 ngày 12/07/2013

Sự cần thiết áp dụng lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học

Với mục tiêu: “Phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”, ngày 20 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

 

Kể từ khi Đề án được bắt đầu triển khai cuối tháng 11 năm 2007, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối đã cùng các bộ ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo,... tích cực chủ động trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án trong đó quan trọng nhất là việc xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, đầu tư sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trong đó nổi bật nhất là khung pháp lý cho việc nghiên cứu, thử nghiệm về sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách ưu đãi, các chương trình hợp tác quốc tế với các nước có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, với sự hướng dẫn, điều hành của Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đã tham gia đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học và bước đầu đưa sản phẩm nhiên liệu sinh học tiêu thụ trên thị trường. Năm 2009 chính thức đánh dấu năm ra đời của ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, với sự khởi đầu rầm rộ và tăng tốc nhanh chóng của nhóm ngành sản xuất ethanol nhiên liệu nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có (sắn, mía), nhờ sự đầu tư tích cực của các doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, nhờ các cơ quan quản lý nhanh chóng ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đến nay, Việt Nam đã có 13 dự án đăng ký triển khai về sản xuất ethanol nhiên liệu, trong đó có 04 nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011 với tổng công suất thiết kế khoảng 310.000 tấn/năm đủ để pha khoảng 6,2 triệu tấn xăng E5. Điển hình là một số nhà máy lớn như: Công ty cổ phần Đồng Xanh có công suất 130 triệu lít/năm (đã hoạt động); Công ty Tùng Lâm với nhà máy tại Đồng Nai với công suất 65 triệu  lít/năm (đã hoạt động); Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu do Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) làm chủ đầu từ có công suất 100 triệu lít ethanol/năm tại Tam Nông Phú Thọ (sẽ hoạt động vào cuối năm 2011); Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Dung Quất có công suất 100 triệu lít ethanol/năm (sẽ hoạt động vào cuối năm 2011); Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tại huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước có công suất 100 triệu lít/ năm (sẽ hoạt động vào 4/2012). Mức sản lượng này cao hơn so với nhu cầu sử dụng xăng của cả nước và vượt so mục tiêu của Đề án của Thủ tướng Chính phủ đề ra về số lượng và trước thời hạn.

Theo kế hoạch đến tháng 4/2012 Việt Nam sẽ có 5 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 390.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động đủ để pha khoảng 7,8 triệu tấn xăng E5 hoặc 3,9 triệu tấn xăng E10. Như vậy, chỉ với 5 nhà máy này hoàn toàn có khả năng thay thế toàn bộ và vượt nhu cầu tiêu dùng xăng cả nước đến 2015 với tỷ lệ phối trộn 5%. Các tính toán còn cho thấy, Việt Nam có thể thay thế tỷ lệ phối trộn 10% trên phạm vi toàn quốc vào năm 2016. Các tính toán này dựa trên cơ sở nguồn cung nguyên liệu sắn của Việt Nam vẫn có thể đảm bảo cho việc tăng sản lượng lên gần gấp đôi vào năm 2025 đạt 800 ngàn tấn ethanol đủ để phối trộn 8 triệu tấn xăng E10 mà không cần phải mở rộng diện tích trồng sắn.

Song song với việc triển khai xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai công tác kinh doanh thử nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, lập kế hoạch và dự toán nâng cấp hệ thống kho, cửa hàng hiện hữu của Tập đoàn để kinh doanh thương mại xăng E5.  Cùng với kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, các kết quả khả quan về thử nghiệm bước đầu sử dụng nhiên liệu sinh học E5 của Công ty Dầu Việt Nam PVOil tại một số tỉnh thành phố, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tạo tiền đề thúc đẩy việc xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh phân phối NLSH tại Việt Nam. Năm 2010 ghi nhận thành công bước đầu của Dự án thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học của Công ty Dầu Việt Nam PVOil với kết quả khả quan tiêu thụ gần 421.000 m3 xăng E5 (tương đương 210,5 m3 ethanol biến tính E100) trong thời gian triển khai từ ngày 01 tháng 8 năm 2010 đến 05 tháng 01 năm 2011. Số cửa hàng bán xăng E5 của PVOIL, PETEC, Sài Gòn Petro hiện nay đã đạt trên 100 cửa hàng trên địa bàn 6 tỉnh/ thành phố lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ). PVN đã đầu tư 04 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu. Sài Gòn Petro đã đầu tư hệ thống phối trộn in-line để cung cấp cho các điểm bán thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh. Xăng E5 đã bước đầu thu hút được sự chú ý trên thị trường và được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Sau thời gian sử dụng, PVN đã thu thập được các số liệu chứng minh xăng E5 không gây ảnh hưởng tới các đặc tính kỹ thuật của động cơ, không đòi hỏi chỉnh sửa động cơ ô tô, xe máy, có khả năng sử dụng rộng rãi trên các phương tiện, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải ô nhiễm môi trường. Các kết quả này cũng phù hợp với các công trình nghiên cứu của nước ngoài và của Viện Cơ khí Động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đối với lĩnh vực sản xuất Bio-đi-ê-zen, hiện nay Việt Nam chỉ có 2 nhà máy với tổng công suất mới đạt 25.000 tấn/năm, sử dụng nguyên liệu là phụ phẩm của quá trình chế biến cá da trơn xuất khẩu. Nguyên liệu là khó khăn lớn nhất hiện nay. Mỡ cá đang bị tranh mua và liên tục đẩy giá lên cao, vì vậy một nhà máy chế biến Biodiesel thuộc AGIFISH An Giang đã phải tạm dừng sản xuất.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Đề án đã được thực hiện vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nhiên liệu sinh học, thực trạng phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học có sự phát triển chưa cân đối và tương xứng với tiềm năng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học. Cụ thể là năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu hoàn toàn đáp ứng và vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước với tỷ lệ phối trộn 5% (xăng E5) trong khi mới chỉ có trên 100 điểm kinh doanh loại sản phẩm này thuộc 3 đầu mối lớn là PVOIL, PETEC, Sài Gòn Petro trên toàn quốc. Nếu để tình trạng mất cân đối giữa sản xuất và phân phối tiêu thụ nhiên liệu sinh học kéo dài sẽ không phát huy được năng lực sản xuất trong nước, lãng phí đầu tư, ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sắn lát của nông dân trong khi đó vẫn phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu sản phẩm xăng dầu của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng thêm gánh nặng về nhập siêu. Tuy nhiên để có thể tổ chức phối trộn, phát triển mạng lưới phân phối nhiên liệu sinh học, các doanh nghiệp cần phải có thời gian và vốn đầu tư cũng như cách chính sách phù hợp của nhà nước.

Hiện cả nước có hơn mười doanh nghiệp đầu mối sản xuất kinh doanh xăng dầu lớn nhưng sự tham gia của từng doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Mặt khác, tuy công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích và ý nghĩa của việc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và góp phần giảm nhập siêu đã được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông nhưng nhận thức của người tiêu dùng về nhiên liệu sinh học vẫn còn hạn chế.

Quan nghiên cứu, phân tích bài học kinh nghiệm phát triển nhiên liệu sinh học của các nước trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, sử dụng các chính sách khuyến khích đối với đầu tư sản xuất và phát triển mạng lưới phân phối, việc xây dựng và ban hành các quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học đã được nhiều nước triển khai áp dụng thành công. Vì vậy một trong những giải pháp để sản phẩm nhiên liệu sinh học của Việt Nam sớm được tiêu thụ và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, thực hiện mục tiêu đề ra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đó là ban hành lộ trình bắt buộc tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống quy định trách nhiệm bắt buộc đối với các bên liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu đối với việc tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học. Để đảm bảo tính khả thi, lộ trình bắt buộc tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống cần được xây dựng dựa trên các nghiên cứu, phân tích khả năng cung ứng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học, nhu cầu về đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống tàng trữ, phối trộn, vận chuyển và mạng lưới bán lẻ xăng dầu, tình hình ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông ở các đô thị, bài học kinh nghiệm xây dựng triển, khai lộ trình của các nước trong khu vực như Thái Lan, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin và phải được tiến hành đồng thời cùng với các chính sách khuyến khích thích hợp khác./.

 

 TS. Nguyễn Phú Cường

 

Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương

lên đầu trang