Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 18:25

Thứ sáu, 17/05/2024 | 18:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:31 ngày 31/10/2016

Đổi mới công nghệ: Ngành cơ khí nắm bắt cơ hội hội nhập

Trong thập kỷ qua, số lượng các Hiệp định thương mại tự do tăng đáng kể, cùng với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành cơ khí Việt Nam đã và đang có được nhiều cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế. Nắm bắt thời cơ này, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực hiện những biện pháp khắc phục hạn chế, tiến hành đổi mới công nghệ để có những bước phát triển xa hơn trên thị trường quốc tế.

Theo nhiều chuyên gia, đa phần các sản phẩm cơ khí trong nước vẫn chưa chứa đựng hàm lượng công nghệ cao, điều kiện cơ sở hạ tầng sản xuất và nguồn nhân lực có tính chuyên môn cao không nhiều. Chính những yếu tố này đã khiến cho các DN trong nước khó có thể cạnh tranh được với các DN cơ khí nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn cơ khí lớn trên thị trường thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi trẻ)

Ông Dương Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng cho rằng, để có thể đảm nhận các công trình cơ khí lớn với yêu cầu về chất lượng cao và tiến độ thi công trong thời gian ngắn, các DN cơ khí Việt Nam cần biết cách liên doanh, hợp tác với những đối tác tin cậy để tận dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc biệt là đưa vào áp dụng những công nghệ mới, thiết bị hiện đại. Trước mắt, ngành cơ khí Việt Nam cần tăng cường hợp tác sản xuất giữa các DN trong nước để tránh đầu tư trùng lặp gây lãng phí, đồng thời học hỏi,hỗ trợ lẫn nhau để có những bước phát triển mới trong cải tiến thiết bị, loại bỏ công nghệ đã cũ và lựa chọn công nghệ mới phù hợp hơn. Nhờ đó, cơ khí Việt Nam mới có thể cho ra đời nhiều sản phẩm cơ khí có chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường trong khu vực và vươn xa hơn trên thị trường thế giới. 

Bên cạnh việc tham gia chuỗi cung ứng cho thị trường xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cũng không thể bỏ quên thị trường cơ khí trong nước với nhiều tiềm năng phát triển. Hiện nay, với những tiến bộ và đầu tư đúng đắn trong công nghệ, không ít DN cơ khí Việt Nam đã có đủ khả năng để sản xuất được những sản phẩm cơ khí hỗ trợ với hàm lượng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu nhiều sản phẩm cơ khí hỗ trợ từ nước ngoài. Đây chính là lúc các cơ quan quản lý trong ngành cùng với các DN cơ khí trong nước phải nhìn nhận lại vị trí quan trọng của thị trường cơ khí nội địa. 

Muốn giành lại thế mạnh của ngành cơ khí trong nước đồng thời hướng đến thị trường quốc tế, đầu tư đổi mới công nghệ là kế hoạch chiến lược trọng tâm cần được nhiều DN cơ khí hướng tới và tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó, không thể thiếu được sự định hướng và hỗ trợ về mặt pháp lý, chính sách của các cơ quan chức năng. Có như vậy, các DN cơ khí trong nước mới có thể nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, thiết bị mới trong sản xuất, nâng chất lượng và tính cạnh tranh cho sản phẩm cơ khí nước nhà.

Theo sxsh.vn

 
lên đầu trang