Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:53

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:53

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:24 ngày 30/12/2016

Quảng Ninh: Biến xỉ than thành cát nhân tạo

Theo các chuyên gia, cát nhân tạo đang được dùng phổ biến, không những để thay thế cát tự nhiên đang ngày càng càng cạn kiệt mà còn do tính chất đặc biệt của nó: Hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau (như bê tông asphalt, bê tông macrosell, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt ...). Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Bãi thải Đông Cao Sơn, Mông Dương, Quảng Ninh, hàng năm lượng đất đá từ các mỏ thải ra khoảng 32 - 36 triệu tấn, tốn một khoản tiền cả trăm tỉ cho việc xử lý thải. Trận lũ lịch sử năm 2014, tại Quảng Ninh, hàng trăm tấn xỉ thải đã đổ xuống, vùi lấp hàng chục nhà dân, thiệt hại tính mạng người và tài sản. Phải mất hàng năm sau, người dân nơi đây mới ổn định cuộc sống và di dời đến nơi ở mới.

Là người gắn bó với vùng mỏ Mông Dương, Ông Vũ Đình Kiên - Giám đốc Cty CP Thiên Nam, đã nhiều lần chứng kiến cảnh nơm nớp của bà con nơi đây, khi mùa mưa lũ về. Hàng trăm tấn chất thải cỏ thể đổ ấp xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Người dân phải sống trong cảnh: Nắng thì bụi mù mịt; mưa thì sụt lún, lầy lội. Chính điều đó, thôi thúc ông, phải làm sao biến những chất xỉ thải này thành vật liệu có ích, đảm bảo môi sinh, môi trường cho bà con vùng mỏ.

Dây chuyển sản xuất cát nhân tạo bằng công nghệ hiện đại.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay những mẻ cát đầu tiên đã đưa ra thị trường tiêu thụ. Giờ đây, hàng triệu m3 xỉ thải đã  biến thành các loại VLXD gồm: Cát nghiền nhân tạo bê tông; cấp phối đá dăm loại II phục vụ các công trình xây dựng nhà nước và dân sinh như: Nhà cửa, cầu cống, đổ bê tông, hạ tầng giao thông…

Tuy đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nhưng, việc khai thác than cũng đã để lại những hệ lụy to lớn, trong đó với trên 200 triệu m3 đất đá thải hàng năm thực sự là một gánh nặng đối với ngưỡng chịu tải của môi trường, làm gia tăng nguy cơ trôi lấp bồi lắng sông suối, sạt lở bãi thải, ô nhiễm nguồn nước mặt …

Dự án: Thu hồi chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP Thiên Nam đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giảm giá trị đầu tư các công trình xây dựng. 

So với giá cát tự nhiên, giá cát nhân tạo của Cty CP Thiên Nam, được Sở Xây dựng công bố rẻ hơn 18%. Từ đó, góp phần giảm giá trị vật liệu xây dựng cho các công trình vốn đầu tư ngân sách Nhà nước.

Hiện, Cty Cổ phần Thiên Nam đã hoàn thiện giai đoạn 1 của Dự án với tổng mức đầu tư trên 283 tỷ đồng. Bao gồm việc lập, phê duyệt Dự án đầu tư; tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống nghiền sàng, phân loại sản phẩm với 02 dây chuyền, công  suất 550 tấn/giờ cho mỗi dây chuyền. Dự kiến giai đoạn 2 (từ năm 2018 ÷ 2020) Công ty sẽ đầu tư thêm 07 dây chuyền (có công suất tương tự 550 tấn/giờ).

Sản phẩm sau chế biến gồm đá base, đá 1x2, đá 2x4, cát xây dựng (cát bê tông, xây trát) có tiêu chuẩn phù hợp quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 của Bộ xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ninh cho biết “Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho bãi thải Đông Cao Sơn, hạn chế đất đá trôi lấp bồi lắng sông suối khu vực, sạt lở bãi thải, ô nhiễm nguồn nước mặt. Đồng thời bù đắp nguồn cát xây dựng đang thiếu hụt trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến, đầu tư rất nhiều công trình xây dựng lớn, trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 18A (các đoạn Uông Bí – Bắc Ninh và Hạ Long – Mông Dương), Dự án cảng hàng không Vân Đồn và một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác".

Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả, Quảng Ninh chia sẻ, việc Cty Cổ phần Thiên Nam đề nghị thu gom đá cát kết thải ở bãi thải Đông Cao Sơn để tận dụng nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu vật liệu trên địa bàn tỉnh phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 14/3/2014 của HĐND tỉnh Quảng Ninh và Quy hoạch thăm dò, khai thác khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 .

Theo đó, tỉnh có chủ trương ưu tiên, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản không truyền thống để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn Tỉnh như: Tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng; sử dụng cuội sỏi khu vực miền Đông để nghiền sàng làm cát xây dựng; tận dụng nguồn đá cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ than để nghiền, sàng, rửa thành cát xây dựng ...

Giờ đây, các hộ dân sống cạnh bãi thải Đông Cao Sơn đã phần nào yên tâm hơn khi mùa mưa lũ về. Bởi việc, Cty CP Thiên Nam đưa nhà máy xử lý bãi thải vào hoạt động đã góp phần xử lý lựợng xỉ thải lớn trên địa bàn, ngăn chặn việc chất thải bồi lắng sông, suối, san lấp dòng chảy, ảnh hưởng hạ tầng khu vực.

Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, bằng công nghệ hiện đại, sản phẩm cát nhân tạo và cấp phối đá dăm loại II của Cty CP Thiên Nam đang góp phần tận thu tài nguyên khoáng sản, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong tỉnh. Từ đó, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, hạn chế nạn khai thác cát tặc. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN của tỉnh Quảng Ninh, hy vọng sản phẩm cát nhân tạo của Cty CP Thiên Nam sẽ đứng vững trên thị trường xây dựng trong và ngoài tỉnh.

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

lên đầu trang