Việc triển khai các mô hình chuyển đổi số ở Yên Bái đã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành, cũng như mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2021-2025. Và để chuyển đổi số thành công, bài bản và vững chắc, việc xây dựng mô hình điểm đóng vai trò rất quan trọng, từ đó có sự nghiên cứu, so sánh để triển khai trên diện rộng.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, việc triển khai các mô hình chuyển đổi số ở Yên Bái đã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành, cũng như mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Là mô hình thí điểm về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đến nay 100% các thôn, bản trên địa bàn xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn đã có sóng 4G; tất cả cán bộ, công chức xã đều có tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. 2/3 trường mầm non của xã Tú Lệ đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường; trạm y tế xã cũng đang ứng dụng 2 phần mềm quản lý khám chữa bệnh, trong đó đã lập hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn đạt tỷ lệ trên 84%...
Ông Hoàng Văn Soàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn cho biết, xã hiện cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp đưa 23 sản phẩm đặc sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Soàn: "Điều được nhất là xây dựng được trang thông tin điện tử của xã, đem lại rất nhiều tiện ích, như sản phẩm đã được đưa lên, các dịch vụ lưu trú cũng tích hợp trên đó và đi kèm là dịch vụ ăn uống, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch khai thác".
Điện lực Yên Bái là mô hình điểm chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Yên Bái là mô hình điểm chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở tỉnh. Đơn vị này hiện đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu của khách hàng qua hệ thống điện tử, thực hiện số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, áp dụng chữ ký số và xác nhận qua mã OTP; tiến tới quản lý hiện đại hóa, giảm bớt các chi phí in ấn hợp đồng, không cần lưu trữ hồ sơ nhiều và giảm nhân lực.
Ông Cao Bình Định, Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết, năm 2021, doanh thu tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt của công ty đã đạt gần 86%; giải quyết các yêu cầu của khách hàng bằng phương thức điện tử đạt trên 98%; đồng thời, hoàn thành chuyển đổi số 100% hợp đồng mua bán điện.
"Ngành điện Yên Bái cũng là một trong những tỉnh thực hiện tương đối tốt công tác chuyển đổi số, đến giờ hiệu quả đem lại rất rõ, ví dụ như toàn bộ hệ thống đóng cắt của 6 trạm biến áp 110 trên địa bàn đều được chúng tôi đóng cắt từ xa và các trạm biến áp bây giờ vận hành theo chế độ không người trực" - ông Cao Bình Định cho biết.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 8 đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền và doanh nghiệp, bao gồm: Sở Thông tin và Truyền thông; UBND huyện Văn Yên; xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn); phường Minh Tân và phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái); trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Quang Trung (thành phố Yên Bái) và Công ty Điện Lực Yên Bái.
Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới, Yên Bái sẽ tổ chức đánh giá và nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và trường học...
Năm 2022, là năm đầu tiên UBND tỉnh Yên Bái đưa mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao của tỉnh trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế ở địa phương.
Nguồn: Theo VOV