Để KH&CN phát huy tốt vai trò là động lực dẫn dắt KT-XH phát triển, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này.
Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) ứng dụng KHCN trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cơ chế, chính sách đầu tư cho KHCN thường xuyên được tỉnh rà soát, hoàn thiện.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến Nghị quyết 43/2016/NQ-HĐND tỉnh về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND tỉnh của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; cơ chế, chính sách tôn vinh danh hiệu “Trí thức KHCN tiêu biểu”, “Điển hình lao động sáng tạo”, “Tài năng trẻ KHCN”; quy định quản lý nhiệm vụ KHCN; quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh…
Qua đó, đảm bảo khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các tập thể, cá nhân; tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ tri thức đóng góp trí tuệ, sáng kiến phục vụ phát triển KT-XH.
Tỉnh cũng đã bố trí nguồn ngân sách đủ lớn trên phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để tạo bước đệm cho các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động. Tính trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chi gần 2.560 tỷ đồng cho KHCN, CNTT và chính quyền điện tử. Bình quân mỗi năm, chi cho hoạt động KHCN đạt 2,68% tổng chi thường xuyên ngân sách của tỉnh.
Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đóng gói sản phẩm hàu ruột tươi. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách riêng, nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất. Nhất là ở các lĩnh vực có thế mạnh, cần được chú trọng như nông nghiệp, thủy sản, y dược, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bố trí và lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, KHCN vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh…
Tính riêng 5 năm trở lại đây, các địa phương đã bố trí trên 646 tỷ đồng đầu tư cho KHCN. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động thành lập Quỹ phát triển KH&CN của đơn vị để đầu tư ứng dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sản xuất, sinh lời. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN với tổng số vốn điều lệ gần 97 tỷ đồng.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển KHCN cũng từng bước được thay đổi theo hướng hỗ trợ sau đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm gắn với từng chương trình, đề án cụ thể. Qua đó đã phát huy được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực KHCN.
Sản xuất dược liệu tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc. Tiếp tục coi KHCN là yếu tố then chốt, quyết định đến sự phát triển KT-XH của tỉnh cũng như tạo đòn bẩy cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giám đốc Sở KH&CN Phạm Xuân Đài khẳng định: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường đầu tư cho lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo. Hàng năm, phấn đấu dánh từ 1-2% tổng chi thường xuyên ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Cùng với đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài, sử dụng vốn ngân sách như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, chinh sách hỗ trợ, tạo nền hành chính thông thoáng, dễ tiếp cận, hiệu quả để hoạt động KHCN thực sự ăn sâu, bám rễ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Theo Báo Quảng Ninh