Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:05

Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:05

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:54 ngày 29/03/2024

Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan (HBCDD) và Dimetylformamit (DMF) trong sản phẩm dệt may, da giày

Việc thực hiện nghiên cứu nhằm mở rộng năng lực thử nghiệm tuân thủ theo danh sách các chất cấm hoặc hạn chế được cập nhật thường xuyên cho các phòng thí nghiệm dệt may, da giầy. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu kiểm soát đầu vào của các nguyên liệu cũng như các sản phẩm trước khi xuất khẩu, tránh các thiệt hại về kinh tế.
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng hiện đại trên toàn thế giới đang chú trọng đến quá trình sản xuất các sản phẩm may mặc mà họ quan tâm. Nhiều người lo ngại rằng liệu những sản phẩm mà họ mua có được sản xuất trong môi trường an toàn cho công nhân và môi trường nói chung hay không. Do đó, các doanh nghiệp đang dần tiến hành quản lý hóa chất có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt là trong ngành sản xuất hàng may mặc và giày dép để chứng minh việc loại bỏ các hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đối với thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Từ thực tế này, Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt May đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình xác định các hợp chất Hexabromcyclododecan (HBCDD) và dimetylformamit trong sản phẩm dệt may, da giày” nhằm tìm ra phương pháp xác định các chất có mối nguy hại cao trong các vật liệu, sản phẩm dệt may, da giầy với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn sinh thái. 
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (Ảnh minh hoạ - insights.tuv.com)
Theo ThS. Bùi Thị Thái Nam - chủ nhiệm đề tài, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá tổng quan về tính nguy hại của các hợp chất Hexabromcyclododecan (HBCDD),  Dimetylformamit (DMF), các quy định hạn chế trong các sản phẩm; cũng như quy trình phân tích Hexabromcyclododecan (HBCDD), và Dimetylformamit (DMF) trên thế giới. Trên cơ sở đó, phân tích các điều kiện chuẩn bị mẫu và phân tích trên thiết bị, lựa chọn các điều kiện tối ưu để tiến hành thử nghiệm các quy trình phân tích đã xây dựng, xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp.
Kết quả, sau 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được tài liệu tổng quan về hợp chất HBCDD, DMF; mối nguy hại và các quy định hạn chế trong ngành công nghiệp dệt may, da giày. Bên cạnh đó, xác định được các điều kiện chuẩn bị mẫu: phương pháp chiết, dung môi chiết, thời gian chiết, nhiệt độ chiết được khảo sát và lựa chọn cho hiệu quả tối ưu nhất. Các điều kiện phân tích trên thiết bị được đánh giá phù hợp với thiết bị phân tích phổ biến tại các phòng thí nghiệm dệt may, da giày trong nước là GC-MS cho thấy quy trình phân tích có thể chuyển giao.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xác nhận giá trị sử dụng của quy trình xác định các hợp chất HBCDD và DMF trên sản phẩm dệt may, da giày, kết quả cho thấy, các thông số về giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng, khoảng làm việc, đường chuẩn, độ đúng, độ chụm đáp ứng các yêu cầu của phương pháp phân tích hóa học. Đồng thời, đề tài cũng tiến hành ước lượng độ không đảm bảo đo (KĐBĐ) của phương pháp cho từng chất phân tích.
Sau khi thử nghiệm các phương pháp trong phòng thí nghiệm và áp dụng thử nghiệm các mẫu trên thị trường, kết quả cho thấy phương pháp an toàn cho sản phẩm, giúp các doanh nghiệp kiểm tra tính đáp ứng trong việc thực thi các yêu cầu kỹ thuật về các chất hạn chế trong công nghiệp dệt may, da giày.
Việc ứng dụng thử nghiệm thành công kết quả của đề tài giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về các chất hạn chế trong công nghiệp dệt may, da giày. (Ảnh minh hoạ: Tạp chí Công Thương)
Đặc biệt, các quy trình phân tích được xây dựng phù hợp với chuẩn mực ISO/IEC 17025 và ứng dụng trực tiếp tại Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt May trong việc kiểm tra các chất bị cấm và hạn chế, phục vụ các doanh nghiệp trong nước trong việc tuân thủ các yêu cầu về chất hạn chế các hợp chất HBCDD & DMF trong sản phẩm dệt may và da giày. 
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh tình trạng vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn mà các thị trường đặt ra đối với hàm lượng các hợp chất HBCDD, DMF; giúp nâng cao uy tín và khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đồng thời tránh gây ra thiệt hại về tài chính khi lô hàng xuất khẩu bị từ chối, hoặc không thực hiện được hợp đồng do chưa đủ trình độ, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành và của doanh nghiệp. 
Các kết quả của đề tài còn là cơ sở để giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hoàn thiện các khung pháp lý trong việc hạn chế hợp chất này trong sản phẩm dệt may, da giầy nhằm bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. 
Quá trình sản xuất sản phẩm dệt may, da giày sử dụng khoảng 5.000 hóa chất để sản xuất ra khoảng 15.000 chất tạo màu và hơn 100.000 các chất trợ khác nhau trên toàn cầu. Nhiều trong số các hóa chất đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường. Có những chất có thể còn dư lượng trên quần áo, hàng may mặc thành phẩm và có thể gây ung thư, dị ứng cho những người sử dụng chúng hoặc theo nguồn nước giặt làm ô nhiễm môi trường.
Chiến dịch DETOX (Chiến dịch giảm thiểu tối đa các chất nguy hại cho môi trƣờng) đã được phát động vào năm 2011 nhằm khuyến khích việc quản lý hóa chất có trách nhiệm cho ngành công nghiệp may mặc và da giày. Hiện nay, hơn 40% thương hiệu quần áo và dệt may quốc tế đã cam kết hướng đến việc loại bỏ các hóa chất độc hại trong chuỗi cung ứng của họ.
Minh Khuê


lên đầu trang